Cứu sống 2 bệnh nhân đột quỵ não

Quốc Trung 29/08/2019 00:00

Ngày 28/8, Bệnh viện đa khoa trung ương (ĐKTƯ) Cần Thơ cho biết, vừa mới cứu sống 2 bệnh nhân liên tiếp chỉ trong vòng 40 phút, bị đột quỵ não nặng.

Theo Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ, ngày 27/8, bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhân là Trần Văn Thành (63 tuổi) ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang nhập viện vì nói khó, liệt nửa người trái, tiếp xúc chậm (thời gian bệnh nhân có triệu chứng đến lúc nhập viện là 5h30 phút). Sau đó lúc 19h25 phút cùng ngày bệnh nhân Nguyễn Thị Dữ (66 tuổi) ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhập viện trong tình trạng nôn ói, lơ mơ, tiếp xúc chậm, liệt nửa người trái.

Ngay sau khi nhận thông tin từ khoa Cấp cứu, Tiến sĩ Hà Tấn Đức - trưởng đơn vị Can thiệp đột quỵ của Bệnh viện đã kích hoạt quy trình cấp cứu đột quỵ (đây là quy trình báo động đỏ nội viện – PV). Quá trình can thiệp cho bệnh nhân diễn ra thuận lợi so với dự kiến nên thời gian tái thông mạch máu não rất nhanh. Chỉ trong vòng 40 phút, ê kíp can thiệp của bệnh viện đã can thiệp thành công cho 2 bệnh nhân.

Sau 12 tiếng can thiệp tình trạng của 2 bệnh nhân diễn tiến rất tốt, trong đó bệnh nhân Trần Văn Thành hồi phục gần như hoàn toàn còn bệnh nhân Nguyễn Thị Dữ hồi phục khá.

Theo Tiến sĩ Hà Tấn Đức - Phó khoa Hồi sức tích cực – Trưởng đơn vị can thiệp đột quị BV cho biết: Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây nên tử vong cao và để lại một số di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân. Đặc biệt, đột quỵ có thể xảy đến với tất cả mọi người không kể lứa tuổi hay giới tính.

Cũng theo tiến sĩ Đức, đột quỵ não được chia làm 2 loại chính: Đột quỵ do chảy máu não (chảy máu nội sọ, chảy máu khoang dưới nhện) và đột quỵ do thiếu máu não (nhồi máu não, cơn tai biến mạch máu não thoáng qua) trong đó là xuất huyết não chiếm 20% và nghẽn mạch máu não chiếm 80%. Trường hợp nghẽn mạch máu não như 2 bệnh nhân ở trên thường có triệu chứng báo trước là cơn thiếu máu não thoáng qua gây chóng mặt, tê yếu nữa bên người, nói khó, miệng méo, có trường hợp mất ý thức tạm thời, té xỉu. Khi có những triệu chứng này người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, thời gian tốt nhất là trước 6 giờ (khung giờ vàng – PV) kể từ khi có triệu chứng, tức là bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu sống 2 bệnh nhân đột quỵ não

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO