Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Hướng tới bình đẳng cho người dân

Xuân Thuỷ 11/04/2019 08:00

Nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 8 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5.

Tại tờ trình của UBND thành phố, lý giải về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2018/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1.390.000 đồng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, nên phải xem xét điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp…

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc ban hành quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước bằng mức giá quy định mức tối đa khung giá tại Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế là phù hợp với quy định của nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế.

Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP Hà Nội gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn; người bệnh chưa tham gia BHYT; người bệnh có thẻ BHYT nhưng đi khám bệnh, chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Nguyên tắc xác định giá dịch vụ y tế là bằng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Phụ lục số I, II, III, IV của Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế.

Nghị quyết cũng quy định cụ thể danh mục, giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc Quỹ BHYT gồm 10 dịch vụ khám, chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 giá các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay thành phố có 86,7% dân số trên địa bàn đã tham gia BHYT (gồm các đối tượng người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội...). Số chưa tham gia là 13,3% thuộc các đối tượng có mức sống ổn định và thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Chính vì vậy, việc thực hiện mức tối đa khung giá dịch vụ y tế tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, người dân sẽ nhận thấy lợi ích của thẻ BHYT và ngày càng rõ hơn tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc tham gia BHYT, đảm bảo chủ trương tiến tới BHYT toàn dân, làm Quỹ BHYT ngày càng bền vững hơn.

Ngoài ra, với tỉ lệ người chưa tham gia BHYT không cao (13,3%), việc tăng giá dịch vụ y tế có thể được kiểm soát an toàn, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của thành phố cũng như không tạo sự biến động quá lớn về thị trường và giá cả trên địa bàn. Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: Hướng tới bình đẳng cho người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO