Điều trị laser cho 'Em bé Napalm'

Linh Chi 27/10/2015 09:45

Bà Nguyễn Thị Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh “Em bé Napalm” từng trở thành biểu tượng của cuộc chiến ở Việt Nam, hiện đang được điều trị các vết sẹo do bỏng bằng phương pháp laser, phần nào giảm nhẹ nỗi đau mà bà phải chịu đựng trong suốt 40 năm qua.

Điều trị laser cho 'Em bé Napalm'

Bác sỹ Jill Waibei kiểm tra phần sẹo tay trái của bà Kim Phúc. (Nguồn: AP).

Trong bức ảnh đã khiến bà Kim Phúc trở thành một biểu tượng sống, người ta không thể thấy các vết bỏng do chúng nằm ở phần sau lưng, mà chỉ thấy một cô bé 9 tuổi đang chạy trong hoảng loạn về phía ống kính camera. Hơn 40 năm sau, dù vẫn có thể che đậy những vết sẹo sau trang phục, nhưng bà Kim Phúc không thể che giấu được nỗi đau mà do vết sẹo mà bà đã phải chịu đựng từ vụ tấn công bằng bom Napalm hồi năm 1972.

Khi tới Mỹ, bà Kim Phúc đã gặp lại phóng viên ảnh Nick Út – người đã biến sự chịu đựng của bà Kim Phúc thành một biểu tượng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và giúp khơi dậy làn sóng phản ứng chiến tranh ở Mỹ. Và giờ đây bà có một cơ hội mới để hồi phục vết thương chiến tranh, điều mà bà từng nghĩ rằng đến chết cũng không thể.

“Trong suốt nhiều năm liền tôi từng nghĩ rằng tôi sẽ không còn sẹo và không còn đau đớn khi tôi lên thiên đường. Nhưng giờ, tôi đã gặp Thiên đường dưới hạ giới” – bà Phúc nói khi đặt chân tới Miami để gặp vị bác sỹ chuyên gia da liễu, chuyên chữa các bệnh nhân bị bỏng.

Cuối tháng trước, bà Kim Phúc, 52 tuổi, đã bắt đầu quá trình điều trị do bác sỹ Jill Waibei, thuộc Viện Da liễu và điều trị laser Miami, đảm nhiệm. Bà Waibei cho biết quá trình điều trị sẽ giúp là phẳng và làm mềm các tế bào sẹo dày trải dài trên phần cánh tay, cổ và lưng của bà Kim Phúc. Và một điều quan trọng hơn cả, bác sỹ Wasibei nói rằng quá tình điều trị cũng sẽ giúp giảm nhẹ những cơn đau kinh niên đã hành hạ bà Phúc trong suốt 40 năm qua.

Cùng đồng hành với bà Phúc trong chuyến đi điều trị này là chồng bà - ông Bùi Huy Toàn - và người đàn ông đã từ lâu đã trở thành một phần của cuộc đời bà kể từ khi sau sự kiện năm 1972: Nhiếp ảnh gia của Hãng AP Nick Út. “Ông ấy là sự khởi đầu và cũng là sự kết thúc”- bà Phúc nói về người đàn ông mà bà vẫn hay gọi một cách thân thương là “Chú Út”.

Ngày 8/6/1972, cô bé Phúc khi ấy mới 9 tuổi bị bỏng do cuộc dội bom của quân đội Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Hình ảnh cô bé vừa chạy vừa khóc đã được phóng viên ảnh Nick Út của Hãng tin AP ghi lại. Tấm ảnh đã làm lay động trái tim của rất nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới và giúp phóng viên ảnh Nick Út giành giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer. Nick Út, hiện làm việc cho Hãng tin AP tại California, vẫn duy trì quan hệ tốt với Kim Phúc.

Theo bác sỹ Waibei, bà Phúc bị bỏng tới 1/3 cơ thể. Vào thời điểm đó, đa phần những người phải chịu những vết bỏng quá 10% cơ thể thường không qua khỏi.

“Ngọn lửa đã cháy trên lưng bà ấy trong khoảng thời gian dài và hủy hoại phần da đến tận tầng collagen, khiến bà ấy mang những vết sẹo dày gấp 4 lần so với lớp da thông thường” – bác sỹ Waibei nói.

Bà Kim Phúc đã dành nhiều năm để luyện tập. Tuy nhiên, cánh tay trái của bà vẫn không thể hoạt động bình thường do những vết sẹo quá đau đớn. Bà chia sẻ ước muốn học chơi piano nhưng không thể do tay trái quá cứng. Bà cũng không thể làm những việc đơn giản như đeo túi xách lên vai trái.

“Khi còn là một đứa trẻ, tôi rất thích trèo cây, như một chú khỉ vậy. Hái ổi, ném cho lũ bạn ở dưới” – bà Phúc tâm sự - “Nhưng sau khi tôi bị bỏng, tôi không bao giờ trèo cây được nữa và cũng không thể chơi những trò chơi với bạn bè như trước kia. Điều đó thực sự khó khăn. Tôi đã thực sự nghĩ rằng mình tàn phế”.

Được biết, bác sỹ Waibei đã có kinh nghiệm trên 10 năm xử lý các vết sẹo bỏng, trong đó gồm cả các vết sẹo do bom Napalm. Mỗi đợt điều trị như vậy có chi phí từ 1.500 đến 2.000 USD, tuy nhiên trường hợp của bà Phúc sẽ được điều trị miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều trị laser cho 'Em bé Napalm'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO