Giao lưu trực tuyến ‘Phát triển bền vững Bảo hiểm y tế toàn dân’

N. Phượng 20/12/2019 14:45

Ngày 20/12, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức giao lưu trực tuyến “Phát triển bền vững Bảo hiểm y tế toàn dân”.

Giao lưu trực tuyến ‘Phát triển bền vững Bảo hiểm y tế toàn dân’

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Tham gia buổi giao lưu có Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; TS.BS Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng, Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế và ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Báo Nhân Dân nêu bật những thành quả và tồn tại của chính sách Bảo hiểm y tế trong thời gian qua.

Luật Bảo hiểm y tế ra đời (năm 2008) và đến năm 2013, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế , tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Một năm sau đó năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung. Đây là những bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Khái quát những thành quả nổi bật, ông Phạm Song Hà cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, số người tham gia bảo hiểm y tế ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế.

Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt gần 90%, nhưng để 10% dân số còn lại vận động tham gia bảo hiểm y tế là cực kỳ khó khăn.

Ông Phạm Song Hà cũng chỉ ra rằng, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và tổ chức thực hiện Luật. Đó là, các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, cũng như tổ chức thực thi pháp luật.

Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh. Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách bảo hiểm y tế cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp hơn với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; phương thức thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế…

Thay mặt Ban Biên tập Báo Nhân Dân, ông Phạm Song Hà mong muốn các đại biểu thảo luận thẳng thắn về những bất cập trong chính sách và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế hiện hành, đồng thời gợi mở, đề xuất được những thay đổi để góp thêm ý kiến cho các nhà hoạch định chính sách trong lần sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế tới đây, và cũng để ướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững bảo hiểm y tế toàn dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao lưu trực tuyến ‘Phát triển bền vững Bảo hiểm y tế toàn dân’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO