Kỳ tích ghép tạng Việt Nam

Minh Quang-Mạnh Dũng 02/09/2017 08:20

Những trường hợp ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam (ghép thận-1992, ghép gan-2004 và ghép tim-2010) đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Cho đến nay, sau thời gian ¼ thế kỷ, Việt Nam đã có tới 18 cơ sở đủ điều kiện ghép tạng, trong đó có cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành. Đây thực sự là một kỳ tích của y học nước nhà.

Một ca mổ ghép tạng (ảnh minh họa).

Làm chủ nhiều kỹ thuật ghép tạng

Dấu mốc đáng nhớ từ năm 1992 kể trên, chính là ca ghép thận đầu tiên cho vị Thiếu tá 40 tuổi. Ngày 4-6-1992 ca ghép thận đầu tiên Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện 103, Hà Nội.

Bệnh nhân là Thiếu tá Vũ Mạnh Đoan - 40 tuổi, được ghép thận từ người tặng là em trai ruột 28 tuổi. Đây là mốc son trong lịch sử ngoại khoa Việt Nam và đánh dấu thành công đầu tiên của kỹ thuật ghép thận tại Việt Nam, mở cánh cửa hồi sinh cho những bệnh nhân thận đang đứng bên cửa tử.

Ở phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiến hành ca ghép thận đầu tiên vào tháng 11/1992, hiện bệnh nhân sống khỏe mạnh. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiên phong ghép thận từ người hiến chết não vào năm 2008, từ người hiến tim ngừng đập năm 2015. Đến nay nhiều bệnh viện đã có thể ghép thận, thực hiện khoảng 1.000 ca với kỹ thuật ngày càng tiến bộ.

Cho đến giờ tập thể y bác sĩ tại Bệnh viện 103 vẫn còn nhớ về ca mổ kéo dài 17 giờ ghép gan cho một bé gái. Sau quá trình chuẩn bị gian truân, ca đại phẫu ghép gan đầu tiên Việt Nam diễn ra ngày 31/1/2004.

100 giáo sư, bác sĩ tham gia vào ca ghép gan cho bé gái 10 tuổi Nguyễn Thị Diệp quê Nam Định. Bé Diệp bị bệnh teo đường mật bẩm sinh đã biến chứng, nếu không ghép gan sẽ nguy kịch tính mạng.

Người bố 31 tuổi tình nguyện hiến một phần lá gan. Hiện sức khỏe, chức năng gan của Diệp và người bố đều ổn định. Hay là câu chuyện về ca ghép tim cho bệnh nhân Bùi Văn Nam, quê Nam Định kéo dài gần 2 giờ.

Bị bệnh tim nhiều năm, khả năng sống của anh Nam không còn hi vọng. Bệnh nhân đã được tiến hành ghép tim ngày 17/6/2010 lúc 48 tuổi. Quả tim ghép cho anh Nam nhận từ một bệnh nhân chết não 29 tuổi.

Ca mổ cũng được thực hiện tại Bệnh viện 103. Hiện bệnh nhân khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Ca mổ tim đặc biệt này đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ ghép tim thế giới.

Hơn 3 năm trước, cũng tại Bệnh viện 103, một kíp phẫu thuật đặc biệt đã quy tụ hơn 150 y bác sĩ trong 4 phòng mổ cho ca ghép tụy và đa tạng đầu tiên.

Và rồi suốt 13 tiếng đồng hồ ngày 1/3/2014, tập thể bác sĩ đã thực hiện ca ghép tụy đầu tiên cho bệnh nhân Phạm Thái Huyên (43 tuổi) bị đái tháo đường, suy thận.

Đây cũng là ca ghép đa tạng (hai tạng trên một người bệnh) đầu tiên. Tạng được hiến từ một người chết não vì tai nạn giao thông. Thận và gan của người cho chết não này cũng đồng thời được các kíp mổ ghép cho hai bệnh nhân khác.

Việc làm chủ các kỹ thuật phức tạp góp phần giúp bác sĩ Việt Nam khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế. Mới đây, ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho còn sống cũng đã thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 ngày 20/2/2017.

Bệnh nhi 7 tuổi ở Hà Giang bị giãn phế quản bẩm sinh, suy hô hấp, được ghép cả 2 lá phổi từ người hiến là bố 28 tuổi và bác ruột 30 tuổi. Kíp mổ kéo dài khoảng 11 giờ, sức khỏe bệnh nhân và người hiến diễn tiến tốt sau phẫu thuật.

Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang chuẩn bị lần đầu ghép phổi từ người cho chết não trong tháng 9. Do tính chất khó khăn của ca phẫu thuật ghép này, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tính đến 3 phương án thực hiện.

Một là mời chuyên gia nước ngoài tham gia kíp mổ, tuy nhiên ca ghép chủ yếu vẫn do các bác sĩ Việt Nam đảm trách. Phương án hai là có thể không mời chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ Việt Nam tự tiến hành ca mổ. Phương án ba là bệnh viện mời một êkíp chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ ca mổ ghép.

GS TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng quốc gia dự đoán, ca ghép phổi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thuyết phục người bệnh ghép phổi không phải dễ, trong khi đó phổi là bộ phận ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất, hồi sức sau ghép cũng vô cùng thách thức.

Dù vậy, bệnh viện đã chuẩn bị kỹ càng cho ca ghép từ nguồn ghép, người nhận, phẫu thuật viên, các trang thiết bị, máy móc hiện đại, bàn mổ… Mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, công tác chăm sóc sau ghép cũng đã lên kế hoạch...

Cũng theo GS TS Trịnh Hồng Sơn, đội ngũ chuyên gia ghép tạng quốc gia đã sẵn sàng cho những lĩnh vực ghép mới như ghép tứ chi, ghép mặt, ghép ruột và ghép tử cung.

Với ghép tứ chi, về mặt kỹ thuật các chuyên gia không quan ngại vì thực tế việc ghép chi tự thân cho những người không may bị đứt cũng đã được thực hiện rất nhiều và rất thành công.

Cần tăng hỗ trợ của BHYT cho bệnh nhân

Tính đến ngày 31/5/2017 số ca ghép tạng tại Việt Nam là hơn 2.400 ca. Trong đó, Việt Nam thực hiện thành công hơn 2.300 ca ghép thận, 77 ca ghép gan, 18 ca ghép tim, một ca ghép thận - tụy, một ca ghép phổi từ người cho sống.GS TS Phạm Gia Khánh- Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết, mặc dù chi phí cho ghép tạng ở Việt Nam có mức thấp nhất so với các nước trên thế giới (ít hơn từ 1/3 đến 1/2 lần), nhưng chi phí cho một ca ghép tạng vẫn còn cao (300 triệu đồng cho 1 ca ghép thận, 1 tỷ đồng cho một ca ghép tim, 1,5 tỷ đồng cho một ca ghép gan...) trong khi thu nhập của người dân còn thấp.

Đặc biệt, phần lớn những người có nhu cầu ghép tạng lại là người nghèo. Vì vậy, cần tăng kinh phí hỗ trợ của bảo hiểm y tế cho ghép tạng, thành lập quỹ hỗ trợ ghép tạng từ các nhà hảo tâm và nguồn khác.

Giờ đây ngành ghép tạng Việt Nam từng bước phát triển với nhiều thành tựu ngang tầm thế giới đã hồi sinh hàng nghìn cuộc đời.

Hiện nước ta đã có 18 cơ sở (trong đó có cả các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện ngành gồm BV 103, BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức, BV Trung ương Huế, BV Nhân dân Gia định, BV Nhân dân 115, BV Nhi Trung ương, BV Nhi đồng II, BV Bạch Mai, BV Đà Nẵng, BV Kiên Giang và BV 198...) có đủ điều kiện để tiến hành ghép tạng. Danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng ngày càng dài, tuy nhiên nguồn tạng hiến vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu.

Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho bệnh nhân những hy vọng, cùng cơ hội lớn vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vì vậy để chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam tiếp tục phát triển, mang lại cơ hội kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân suy tạng, GS TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho rằng, cần phát triển theo hướng tăng về số lượng ca ghép tim, gan, phổi; Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến để nâng cao kết quả các ca ghép: phẫu thuật, gây mê, hồi sức, điều trị miễn dịch, kiểm soát nhiễm trùng; Tăng cường các nguồn tạng hiến: người cho sống, người cho chết não; Phát triển ghép tạng mới: ghép mặt, ghép ruột, ghép da, ghép chi thể, ghép tế bào gốc trung mô trong điều trị bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính...

Cùng với đó là việc đào tạo các kíp kỹ thuật chuyên ngành trong và ngoài nước trở thành những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ghép tạng của cả nước và khu vực. Chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ về ghép tạng cho các cơ sở y tế trong nước. Duy trì và mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực ghép tạng...

Theo các thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên cả nước có khoảng 6000 người suy thận mạn tính cần được ghép thận, 300.000 người bị mù lòa vì các bệnh lý giác mạc cần được ghép giác mạc…

Theo số liệu điều tra sơ bộ mới thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội với 4.143 người bệnh gan thì có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan.

Như vậy, nhu cầu được ghép tạng là quá lớn, trong khi số người cho, hiến tạng ở nước ta quá hiếm hoi. Đa phần các tạng được ghép đều là những ca ghép tạng cùng huyết thống, do chính anh, chị, em… trong gia đình người bệnh hiến tặng cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ tích ghép tạng Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO