Lo ngại béo phì

Sỹ Minh 29/10/2017 06:00

Kết quả điều tra mới nhất (2014-2015) về tình trạng trẻ thừa cân béo phì được TS Bùi Thị Nhung- trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, công bố tại hội thảo phòng chống béo phì, thừa cân cho trẻ em mới đây cho thấy tỷ lệ trẻ béo phì ở khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay trên 50%, còn tại Hà Nội khoảng 41%.


Trẻ thừa cân béo phì ngày một nhiều do ít vận động và ăn nhiều đồ ăn nhanh.

Gia tăng ở các thành phố lớn
Theo điều tra này, tình trạng béo phì trẻ em từ tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng tại Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Theo đó, từ năm 1980-2013, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng hơn 27% ở người lớn và tăng đến 47% ở trẻ em. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TPHCM là 12%. 13 năm sau (năm 2009) tỷ lệ này 43%. Kết quả điều tra năm 2014-2015, tỷ lệ trẻ béo phì ở TPHCM trên 50%, còn khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%.

Chỉ tính riêng TPHCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi tăng gấp ba lần trong hơn 10 năm qua. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông cũng tăng gấp đôi, từ gần 12% (năm 2002) lên 22% (năm 2009).

Theo TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam), ở 8 thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân ước tính khoảng 100 nghìn trẻ, nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã xấp xỉ con số đó.

Về vấn đề đáng lo ngại này, TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam phân tích: Tình trạng trẻ em bị béo phì gia tăng với cấp độ phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ con ngày nay ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Nhìn chung các trường không có điều kiện nấu riêng cho từng đối tượng trẻ vì thế khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến “trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu cân vẫn thiếu”.

Theo BS Lưu Thị Mỹ Thục- Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), thừa cân béo phì gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, là nguyên nhân của nhiều bệnh nghiêm trọng như tiểu đường, tim mạch, ung thư... Tuy nhiên, người Việt vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ từ béo phì, khá nhiều phụ huynh có con béo phì vẫn muốn chăm cho con tăng cân thêm với quan điểm ăn nhiều mới khỏe. Béo phì ở trẻ em là béo toàn thân, mỡ tích tụ nhiều ở vùng ngực, bụng, mông làm cho trẻ hay mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, đau âm ỉ ở các chi. Về tâm lý, trẻ dễ mặc cảm tự ti, xấu hổ, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên.

Ăn hôm nay, lo ngày mai

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo nạp vào cơ thể và lượng calo cơ thể sử dụng. Xu hướng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.

BS Nguyễn Thị Lan Phương- Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Một nghiên cứu trên học sinh tiểu học ở Hải Phòng cho thấy, trẻ uống nước giải khát 1-3 lần mỗi ngày làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì 2-6 lần; ăn các thực phẩm giàu đường mật hàng ngày trẻ tăng nguy cơ thừa cân béo phì gấp hai lần. Tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường hàng ngày làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 2 lần.

Làm thế thế nào để hạn chế thừa cân, béo phì là câu hỏi mà nhiều huynh băn khoăn đặt ra hiện nay. Theo BS Mỹ Thục, một trong những biện pháp tốt nhất để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực (thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày), giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.

Vì thế, giải pháp can thiệp hiệu quả và khả thi để phòng chống béo phì trẻ em là khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao tại trường. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh cấu trúc bữa ăn học đường cho học sinh; không khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên. Bên cạnh đó trẻ cần ngủ đủ, giai đoạn 0-5 tuổi bé ngủ đủ 11 giờ mỗi ngày; 5-10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày; trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ một ngày.

Vẫn theo TS Từ Ngữ, béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa như: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - thoái hóa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não, chứng ngưng thở khi ngủ… Ông cũng cho rằng, việc ăn hôm nay không phải ngày hôm nay hoặc ngày mai đã biết hậu quả mà có khi phải hàng chục năm sau mới biết rõ hậu quả, tác động của nó đến sức khỏe. Hiện chúng ta sử dụng chủ yếu vì các loại thực phẩm công nghiệp, các bữa ăn công nghiệp và không biết cách ăn sao cho đúng.

Còn TS Phan Bích Nga- giám đốc Trung tâm tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, phần lớn trẻ em Việt Nam chào đời có chiều dài tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác trên thế giới (trên 50 cm). Nhưng đáng lo ngại là ừ ba tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao của trẻ em Việt Nam cách biệt dần và dần bị trẻ em thế giới bỏ xa. Chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành hiện nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp ở châu Á và càng xa hơn các quốc gia châu Âu.

Theo TS Nga, trẻ có hai giai đoạn phát triển thể chất vượt trội là 1.000 ngày đầu đời (từ khi ở trong bụng mẹ đến 24 tháng tuổi) và giai đoạn tuổi dậy thì. Giai đoạn này nếu trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có môi trường sống lành mạnh thì sẽ đạt được chiều cao tối ưu. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên căn cứ vào đó để có giải pháp tăng chiều cao và hạn chế béo phì cho thế hệ tương lai.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo nạp vào cơ thể và lượng calo cơ thể sử dụng. Xu hướng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động. Thừa cân béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và các bệnh mãn tính khác ngay khi trẻ còn nhỏ cũng như lúc trưởng thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại béo phì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO