Lo ngại thị trường thực phẩm chức năng

Đức Trân 29/08/2017 08:35

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, có hành vi lừa đảo người tiêu dùng, đưa ra các sản phẩm nhái, kém chất lượng.

Một lần nữa câu chuyện chất lượng thực phẩm chức năng lại được đặt ra khi Cục An toàn thực phẩm vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trong đó, Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế USA (ở khu đô thị Đại Kim Định Công, P. Định Công, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 84 triệu đồng do sản xuất các lô hàng giả không có giá trị sử dụng, gồm: lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ARGININ B.COMPLEX EXTRA (số lô: 020916 NSX: 02.09.2016 HSD: 02.09.2019), lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Anphavit calci nano (số lô: 020417 NSX: 07.04.2017 HSD: 07.04.2020) và lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pediasure ăn ngon ngủ tốt (số lô SX: 010117 NSX: 11.01.17, HSD: 11.01.20) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Công ty cổ phần dược Viko 8 - Pháp (ở khu đô thị Văn Khê, P.La Khê, Q.Hà Đông, Hà Nội) bị phạt trên 35 triệu đồng do sản xuất lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu (lô sản xuất: 261015, NSX: 26.10.15; HSD: 26.10.18) là hàng giả, không có giá trị sử dụng, công dụng; kết quả kiểm nghiệm âm tính với trinh nữ hoàng cung.

Công ty TNHH dược phẩm VINASANCO (địa chỉ trụ sở chính tại P.Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt trên 60 triệu đồng do hành vi bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA (lô SX: 191216, NSX:17.12.16, HSD: 17.12.19) chất lượng sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA...

Hiện nay thanh tra Bộ Y tế cũng đang tiến hành thanh tra 20 công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và bán hàng đa cấp các sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Chưa bao giờ việc mua bán thực phẩm chức năng đơn giản đến vậy, ở các hiệu thuốc, mua ở chợ, mua trên Facebook. Tuy nhiên, kèm với đó, các sai phạm trong thực phẩm chức năng cũng nhan nhản, đặc biệt là vấn đề hàng giả, kém chất lượng.

Dữ liệu cập nhật cho biết, hiện cả nước có hơn 20.000 sản phẩm thực phẩm chức năng công bố chất lượng, trong đó khoảng 60% là sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng từng thừa nhận qua các kỳ kiểm tra thực phẩm chức năng, đã phát hiện không ít vi phạm về chất lượng như: sản phẩm không có hoạt chất như công bố; hàm lượng hoạt chất không đúng như công bố; sản phẩm được quảng cáo như thần dược chữa bệnh; sản phẩm chứa tân dược..

Kết quả nghiên cứu thị trường của Euromonitor cho thấy, thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ 15 - 20%/năm trong những năm tới. Do đó, kênh bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng luôn được các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Chính điều này khiến người tiêu dùng khó kiểm định về chất lượng sản phẩm khi nhan nhản doanh nghiệ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm chức năng.

Một chủ cửa hàng phân phối sản phẩm thực phẩm chức năng ở phố Trần Hưng Đạo cũng nói, cuộc đấu tranh giữa hàng thật và hàng giả, công ty chân chính và công ty chộp giật sẽ ngày càng gay gắt. Nếu cơ quan hữu trách không siết chặt quản lý lĩnh vực kinh doanh này thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lo ngại thị trường thực phẩm chức năng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO