Mở rộng triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Xuân Thủy 24/05/2019 06:08

Bệnh viện ĐH Y Hà Nội vừa chính thức khai trương phòng khám Sexual Health Promotion (SHP) để tiến hành triển khai các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrREP), với mục đích nâng cao nhận thức trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người không nhiễm HIV, nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Việt Nam là một trong 7 nước đầu tiên cam kết triển khai chương trình điều trị PrEP. Trong hai năm 2016 và 2017, chương trình PrEP đã triển khai thí điểm với 2.000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong quá trình chương trình được triển khai, 2.000 nam quan hệ đồng giới đã được theo dõi liên tục và không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV mới.

Năm 2019, Bộ Y tế tiến hành mở rộng việc triển khai điều trị dự phòng PrEP đến với 11 tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện có tình hình dịch HIV lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục cao bao gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Hải Phòng.

PrEP là cụm từ viết tắt của Pre-Exposure, được biết đến là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV dành cho những người không bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao bằng việc uống thuốc kháng virus đều đặn. Nếu một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn, hoặc sử dụng ma túy do thuốc kháng virus sẽ hoạt động để ngăn không cho virus gây ra nguy cơ lây nhiễm HIV có cơ hội tồn tại. PrEP đã được chứng minh rất hiệu quả khi tuân thủ và dùng đúng cách, có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV từ 92% trở lên.

Hiện thống kê cho thấy tỉ lệ lây nhiễm HIV qua con đường quan hệ tình dục (đặc biệt là trong nhóm đồng giới nam (MSM), phụ nữ mại dâm) tăng gấp 3 lần so với thời điểm 10 năm trước đây. Tỉ lệ trung bình trên toàn quốc là khoảng từ 10 đến 11%. Tại Hà Nội và TP HCM, tỉ lệ này lên tới 13 đến 16%. Con số này đòi hỏi cần có những mô hình tiếp cận mới với các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS mới bên cạnh biện pháp dự phòng thông qua truyền thông là dùng bao cao su và bơm kim tiêm sạch.

Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dự phòng trước phơi nhiễm HIV là biện pháp mang lại hiệu quả dự phòng hữu hiệu thông qua uống thuốc kháng virus ARV đều đặn hằng ngày trước khi phơi nhiễm HIV. Tuân thủ tốt phác đồ điều trị có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên tới 90%, qua tiêm chích ma túy tới 70%. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV là an toàn cho người dùng, kể cả đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO