Nhân Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2-4): Không tách trẻ tự kỷ ra khỏi cộng đồng

Thu Hương (thực hiện) 01/04/2017 09:05

Ngày 2-4 đã được Liên hợp quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ” với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này. Tại Việt Nam, thống kê của Bộ LĐTB&XH cho biết hiện nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh.

PGS.TS Phạm Minh Mục.

Theo PGS.TS Phạm Minh Mục - Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chứng tự kỷ được biết đến ở Việt Nam vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Từ năm 2000 rối loạn này bắt đầu được quan tâm nhiều hơn về vấn đề can thiệp, điều trị tại các bệnh viện nhi và trung tâm giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, nhận thức chung của cả cộng đồng hiện nay về chứng tự kỷ vẫn còn nhiều hạn chế.

PV: Thưa ông, hiện nay vẫn đang gây tranh cãi là có nên tách riêng những trẻ khuyết tật hoặc có tố chất nổi bật, riêng biệt để kèm riêng nhằm phát triển tối đa những tố chất sẵn có hoặc cải thiện những khiếm khuyết hay là nên để các em học hòa nhập trong môi trường giáo dục chung?

PGS.TS Phạm Minh Mục: Theo quan điểm của chúng tôi, kể cả học sinh tài năng, thì môi trường giáo dục hòa nhập là tốt nhất vì xét đến cùng, tài năng cần phải được phát triển để phục vụ được cộng đồng. Họ phải sống trong cộng đồng, hiểu cộng đồng.

Nếu tách ra có thể những đứa trẻ này có nguy cơ trở thành những công dân phát triển lệch lạc sau này. Chẳng hạn, các em cho rằng mình là tài năng hơn người, không giao tiếp với mọi người và cuối cùng là tự mình cô lập mình với xã hội.

Còn đối với những học sinh khuyết tật là những đối tượng trẻ em cần được quan tâm, nhất là trẻ tự kỷ. Nếu chúng ta tách các em ra khỏi cộng đồng thì vai trò của cộng đồng, vai trò của xã hội trong việc đưa các em hòa nhập với cuộc sống là ở đâu? Mục tiêu của giáo dục là dành cho mọi công dân chứ không chỉ riêng trẻ em bình thường.

Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt cần được giáo dục tách biệt ban đầu trước khi tiếp xúc với môi trường hòa nhập cộng đồng để trang bị cho các em những kiến thức kỹ năng hết sức cơ bản để các em học rộng hơn, hòa nhập cuộc sống tốt hơn.

Đối với trẻ tự kỷ ở mức độ rất nặng thì có nên tách ra để giáo dục chuyên biệt không, thưa ông?

- Nói đến trẻ tự kỷ thì có phổ rất rộng. Có một số em chỉ có một số biểu hiện nhỏ, có những em mức độ khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên trong nghiên cứu về khoa học đặc biệt, chúng tôi thấy những trẻ em bình thường, giao tiếp sống với các bạn học sinh khuyết tật nói chung và tự kỷ nói riêng không những không ảnh hưởng một chút nào tới sự phát triển cũng như hòa nhập nhân cách của trẻ em nói chung. Ngược lại những tác động từ những đối tượng đó giúp cho trẻ em sống nhân ái hơn, cao thượng hơn, mở rộng lòng mình hơn.

Chúng tôi đã chứng minh được rằng: khi trẻ giúp bạn học, chơi với những bạn có khó khăn thì các em sẽ hình thành những kỹ năng mới, năng lực mới, giúp các em phát triển toàn diện hơn và phát huy được hết năng lực của mình.

Bây giờ mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu là chấp nhận sự khác biệt của người khác. Ví dụ họ đến từ châu Phi, nếu bạn sử dụng ngôn ngữ khác, văn hóa khác nếu không biết chấp nhận cái khác thì làm sao sống được? Mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu là điều tôi tin rằng không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới hướng tới.

Đối với việc giáo dục trẻ tự kỷ, vai trò của gia đình - nhà trường - xã hội nên được phối hợp như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất, thưa ông?

- Nói đến giáo dục trẻ em có nhu cầu giáo dục nói chung và giáo dục đặc biệt nói riêng, nếu thiếu đi sự hợp tác của gia đình, của xã hội thì không thể giáo dục không thành công.

Đối với gia đình, chúng tôi xác định rất rõ, trạng thái tâm lý của gia đình họ phải trải qua được 4 giai đoạn và chỉ đến khi nào bố mẹ trải qua được trạng thái thứ 4 thì lúc bấy giờ mới có thể giáo dục thành công cho trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ.

Trạng thái đầu tiên là các phụ huynh không tin, không thừa nhận con mình bị khuyết tật. Sau đó, khi thấy con mình bị khuyết tật thì họ thấy chán chường không muốn hợp tác với chuyên gia, nhà giáo dục. Thứ ba là có thể chúng tôi đến để trao đổi, họ lại trở thành kỳ vọng vào con em mình sẽ hoàn toàn khỏi bị khuyết tật. Trạng thái tâm lý thứ 4 đó là chấp nhận sự thật con em mình có những khó khăn nhất định nhưng nếu như có sự cộng tác chặt chẽ giữa các chuyên gia, nhà giáo dục, cộng đồng xã hội và gia đình thì lúc đó mới thành công.

Đương nhiên cần có sự phối hợp tốt giữa 3 yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó xã hội cần hiểu đúng, đủ về trẻ khuyết tật, không kỳ thị các em, không yêu cầu các em phải học riêng vì sợ ảnh hưởng đến con em mình…

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Gia đình là nơi nuôi dưỡng trẻ, gần gũi chăm sóc các em trong phần lớn thời gian. Trong khi thầy cô giáo, trung tâm… chỉ là người hỗ trợ, trang bị cho các em kiến thức, rồi các kỹ năng xã hội để trở thành công dân độc lập trong một phạm vi nào đấy.

Người thân, đặc biệt là cha mẹ của các em cần có những hiểu biết và sự kiên nhẫn vô cùng với con trẻ, dành nhiều thời gian bên con hơn không chỉ là dạy dỗ, chơi đùa mà trong mọi hoạt động thì chắc chắn con sẽ tiến bộ nhanh hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2-4): Không tách trẻ tự kỷ ra khỏi cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO