Nỗi lo nhiễm khuẩn bệnh viện

Hoàng Vân 03/12/2017 06:30

Sau sự cố y khoa khiến 4 trẻ sơ sinh bị tử vong và hàng loạt trẻ bị bội nhiễm tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh vừa qua, vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện lại được dư luận đặc biệt quan tâm và lo lắng. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng nhiễm khuẩn tại các bệnh viện ở nước ta hiện nay là khoảng 8%. Đây cũng là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Đối với các nước phát triển, tỉ lệ này dưới 5%.


Người chăm sóc bệnh nhân cũng phải phòng chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân và bản thân. Ảnh: L.ANH.

Nguyên nhân
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn do người bệnh mắc phải trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện mà vào thời điểm nhập viện không phát hiện thấy có yếu tố nhiễm khuẩn hay ủ bệnh nào có liên quan; chúng thường xuất hiện sau 48 đến 72 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện có thể dẫn đến 5 hậu quả tồi tệ như: làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, tăng số ngày điều trị, tăng chi phí chữa bệnh và tăng sự kháng thuốc.

Một nghiên cứu của Bộ Y tế được thực hiện trên 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện trong thời gian mới đây cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8%, trong đó viêm phổi đứng đầu, chiếm 55,4%. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân tại các khoa Hồi sức tích cực của 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 29,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.

Ông Lương Ngọc Khuê- cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhiễm khuẩn thường xảy ra ở đường hô hấp, vết mổ, đường tiết niệu, đường tiêu hóa, đường máu và các loại nhiễm trùng khác, chủ yếu tập trung vào 3 loại là nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng tiết niệu. Thực tế, đã có không ít trường hợp tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện như người mổ đẻ bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên bị hậu sản, phải cắt bỏ dạ con hoặc tử vong; nhiều người cũng bị nhiễm khuẩn bệnh viện nên thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị gia tăng, đặc biệt mức độ gây biến chứng và tử vong của nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn nhiễm khuẩn cộng đồng.

Ông Khuê cho rằng, hiện nay các cơ sở y tế thường chỉ chú trọng vào việc mua sắm máy móc hiện đại, phục vụ chất lượng khám chữa bệnh, trong khi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn- một lĩnh vực cũng vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị thì lại bị coi nhẹ.

Theo BS Nguyễn Việt Hùng- trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi mắc nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng có tỷ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng. Vì thế, các nhân viên y tế làm trong các khoa sơ sinh nói chung và hồi sức sơ sinh nói riêng rất bị áp lực. Hơn nữa, các bác sĩ phải làm nhiều thủ thuật với trẻ để cứu chữa nên nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào càng cao, trẻ dễ bị nhiễm trùng huyết, đa phủ tạng, suy đa phủ tạng và tử vong.

“Trong không khí luôn tồn tại vi khuẩn, nhưng chúng thường không gây bệnh. Vi khuẩn này sẽ thường trú trên cơ thể trẻ. Khi có can thiệp thủ thuật, sẽ mở đường cho vi khuẩn vào trong cơ thể gây ra nhiễm khuẩn. Người có hệ miễn dịch bị suy giảm, can thiệp thủ thuật, mổ xẻ… là đối tượng dễ mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Trẻ mắc bệnh nặng phải can thiệp nhiều, nguy cơ nhiễm khuẩn cũng tăng lên. Một minh chứng rất cụ thể là dịch sởi ở nước ta năm 2014 đã khiến hơn 100 trẻ em tử vong. Nguyên nhân lớn là do kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt khiến bệnh nhi bị lây chéo bệnh ”- BS Hùng nói.

Về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai nhấn mạnh vi khuẩn bệnh viện dễ nhờn kháng sinh. Các vi khuẩn chia làm hai nhóm là: cộng đồng và bệnh viện. Trong đó, vi khuẩn bệnh viện thường độc vì sống trong môi trường bệnh viện. BS Dũng dẫn một trường hợp cụ thể đó là bé Đỗ Bảo L. được chuyển từ bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nhiễm trùng nặng, tổn thương rất nhiều cơ quan, cơ quan đầu tiên đó là phổi.

Nhiễm khuẩn có thể khiến bệnh viện thành nhà xác
Theo BS Nguyễn Việt Hùng, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn của nhân viên y tế đã tốt nhưng vẫn cần sự hợp tác từ phía người nhà vì chỉ cần một sơ suất nhỏ như không rửa tay thì lồng ấp, giường bệnh bị nhiễm khuẩn. Để giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, việc đầu tiên phải giảm được lượng vi khuẩn định cư ngoài môi trường, từ đó giảm vi khuẩn định cư trên cơ thể người bệnh.
Vẫn theo BS Hùng, vi khuẩn trước khi vào cơ thể gây nhiễm khuẩn sẽ nằm ngay chính trên cơ thể các trẻ chứ không phải trong không khí hay luồng gió. Vì vậy, việc phòng ngừa phải được thực hiện từ trước khi bước vào buồng bệnh chứ không phải khi làm thủ thuật mới vô khuẩn.
Khi xảy ra tình trạng nhiễm khuẩn, BS Hùng cho rằng, trách nhiệm thuộc về người quản lý vì liên quan tới các quy chuẩn về vô khuẩn, chăm sóc bệnh nhân còn nhân viên y tế chỉ là lỗi hành vi. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được các quy chuẩn đó. Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện kể cả khi chúng ta vô khuẩn tốt.

Hiện, cả nước có tới 20,8% bệnh có quy mô trên 150 giường bệnh chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu và chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách. Ngoài ra, hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện đều thiếu nhân lực so với quy định lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục. Bên cạnh đó nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Được biết, hiện tỷ lệ rửa tay của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt 50% trong khi thế giới là 90%. Rất ít người có thói quen này và là một trong những lỗ hổng, cơ hội để vi khuẩn gây bệnh. Cuộc chiến giảm vi khuẩn phải trường kỳ và rất nhiều đối tượng cùng tham gia mới giải quyết được vấn đề. Nếu bị nhiễm khuẩn, phun thuốc diệt khuẩn chỉ là biện pháp tạm thời chứ không phải là giải quyết tận gốc. Khi có con người vào môi trường đó, nhiễm khuẩn sẽ lại xuất hiện. Có thể nói, nhiễm khuẩn bệnh viện là thách thức đồng hành cùng thầy thuốc đặc biệt những thầy thuốc cấp cứu, phải làm các thủ thuật.

Phân tích thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định: Thời tiết Việt Nam mưa ẩm, gió mùa, tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển. Song nguyên nhân chủ yếu là do một số người đứng đầu cơ sở khám bệnh chữa bệnh hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tại các bệnh viện hiện nay mới chỉ tập trung vào việc giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng công tác giám sát, trong khi đây mới là nhiệm vụ trọng tâm. Nói như TS.BS Nguyễn Khánh Hòa (Trường ĐH Alberta, Canada) thì nếu ngành y tế không kiểm soát được nhiễm khuẩn bệnh viện thì bệnh viện sẽ trở thành nhà xác giống như trường hợp dịch sởi năm 2014 và đợt bùng phát tử vong ở Bắc Ninh. Cái khó xử lý của nhiễm khuẩn bệnh viện chính là việc không thể ngay lập tức phát hiện sớm và đóng cửa toàn bộ bệnh viện để xử lý. Đồng thời khi nó đã xảy ra, việc điều trị cho bệnh nhân cực kỳ tốn kém.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo nhiễm khuẩn bệnh viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO