Phòng khám bác sĩ gia đình: Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục

Song Nguyễn 08/02/2018 17:13

Nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân, giảm quá tải bệnh viện, Sở Y tế TP Cần Thơ triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) và phòng khám BSGĐ. Đến nay, mô hình này được triển khai ở 18 trạm y tế, 6 phòng khám tư nhân, 1 phòng khám tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đang mang lại hiệu quả tích cực, giúp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện liên tục…

Phòng khám bác sĩ gia đình: Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục

Bác sĩ gia đình tại Trạm Y tế phường Phước Thới, quận Ô Môn khám cho người dân tại trạm.

*Chăm sóc từ lúc sinh…

Trạm y tế phường Tân Phú, quận Cái Răng là một trong 18 trạm y tế thực hiện mô hình phòng khám BSGĐ. Các Tổ y tế, cộng tác viên lặn lội đến tận nhà người dân thu thập thông tin lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Bác sĩ Huỳnh Thị Tám, Trưởng trạm y tế chia sẻ: "Thực hiện phòng khám BSGĐ, Sở Y tế, Trung tâm Y tế quận chỉ đạo trạm y tế thu thập thông tin, tiền sử sức khỏe của người dân và người thân để lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; khám, tư vấn sức khỏe cho toàn bộ người dân trên địa bàn tại 2 ấp Phú Lợi và Phú Thuận, trước mắt là khám cho người trên 60 tuổi".

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Tám, việc khám sức khỏe tại cộng đồng này rất có lợi cho người dân. Đơn cử có những bệnh nhân bị cao huyết áp tiềm ẩn mà không biết, khi khám mới phát hiện. Ngoài ra, trong quá trình khám, bác sĩ cũng phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, béo phì, lạm dụng bia rượu... để tư vấn, giảm nguy cơ mắc bệnh. Với những người dân bị các bệnh mãn tính, khám ở tuyến trên, bệnh nhân đông, ít được tư vấn thì khi khám sức khỏe, BSGĐ tư vấn cặn kẽ hơn.

Thông tin sau khi thu thập được quản lý bằng phần mềm quản lý sức khỏe. Khi người dân đến trạm y tế khám bệnh, chỉ cần click chuột trên máy tính là hiện ra toàn bộ thông tin về lịch sử tiêm ngừa, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc, các bệnh mãn tính, nhóm máu, lịch sử khám chữa bệnh... rất thuận tiện cho bác sĩ trong công tác điều trị và cho thuốc đảm bảo an toàn cho người dân. Trong tương lai, việc liên thông phần mềm kết nối cả tuyến trên nên rất thuận tiện cho bác sĩ khám bệnh, ra toa thuốc và y tế cơ sở quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn.

Phòng khám bác sĩ gia đình: Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục  - 1

Cán bộ y tế Trạm Y tế phường Thới Hòa, quận Ô Môn khám cho học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du theo nguyên lý YHGĐ.

Hiện tại 18 trạm y tế đang tiến hành khám sàng lọc, phân loại quản lý sức khỏe cho 117. 350 người dân trong địa bàn phụ trách gồm trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh (tiểu học, THCS, THPT), người cao tuổi, hưu trí từ 60 trở lên; triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản... Ngoài ra, trạm Y tế lập đường dây điện thoại tư vấn sức khỏe cho người dân, phân công cán bộ phụ trách từng cụm dân cư, tùy theo mật độ dân số trung bình 01 cán bộ y tế quản lý từ 500 đến 1.000 người dân.

Tính đến thời điểm hiện tại toàn thành phố có 79 bác sĩ y học gia đình. Trong đó có 13 bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình và 66 bác sĩ đa khoa học định hướng y học gia đình. Để tăng cường trang thiết bị cho y tế cơ sở, trong 6 năm qua (từ 2011 đến 2017), ngành y tế Cần Thơ tổ chức cuộc vận động Lễ đi bộ “Hướng về y tế cơ sở”. Các tổ chức, cá nhân... đã ủng hộ gần 9 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế và thiết bị văn phòng cho y tế cơ sở. Từ đó, góp phần triển khai mô hình phòng khám BSGĐ tại các trạm y tế.

*Tiếp tục nhân rộng

Qua 2 năm triển khai BSGĐ tại các trạm y tế cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Cần Thơ cho biết: Bình quân 1 trạm y tế xã có từ 6-10 cán bộ mà phải quản lý hồ sơ sức khỏe từ 7.000 - 22.000 dân; không có kinh phí lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe cho người dân; năng lực khám, chữa bệnh của trạm y tế chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám BSGĐ, chưa thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng cơ bản như siêu âm tổng quát, đo điện tim, X-quang... danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn hạn chế; người dân chưa hiểu và chưa tin vào BSGĐ...

Theo Giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, danh mục kỹ thuật đối với các trạm y tế, lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí, xây dựng, sửa chữa. Sở chỉ đạo thực hiện chế độ luân phiên hai chiều phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo hướng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cán bộ y tế cơ sở; tiếp tục thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của BSGĐ nhằm giúp cho người dân hiểu rõ hơn; trung bình mỗi năm cử đào tạo từ 2-4 bác sĩ chuyên khoa I y học gia đình. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến trên thực hiện tốt công tác phản hồi chuyển tuyến nhằm giúp tuyến y tế cơ sở cập nhật, bổ sung kịp thời việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc tiếp theo tại cộng đồng.

Bà Bùi Thị Lệ Phi nói về hướng tới, dự kiến năm 2018, Cần Thơ tiếp tục triển khai thêm phòng BSGĐ ở 27 trạm Y tế và đạt tỷ lệ 90% vào năm 2020; mở rộng mô hình BSGĐ đến các phòng khám thuộc bệnh viện quận, huyện và hoàn chỉnh phương thức hoạt động BSGĐ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng khám bác sĩ gia đình: Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO