Quỹ Bảo hiểm y tế: Bội chi chưa có dấu hiệu giảm

Khanh Lê 23/09/2017 10:00

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ Khám chữa bệnh BHYT cả năm.

Bội chi quỹ BHYT ngày càng gia tăng.

59 tỉnh bội chi quỹ BHYT

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi; nhiều địa phương dự kiến bội chi từ 500 – 1.000 tỷ đồng (Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng...). Duy chỉ có 4 tỉnh cân đối được quỹ Khám chữa bệnh (KCB) BHYT: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đăk Lăk.

“Tính theo số thu và quy luật thông thường các năm cân đối được quỹ BHYT, mức chi trong 6 tháng đầu năm luôn có số chi nhỏ hơn 6 tháng cuối năm (chiếm khoảng 47% tổng quỹ của năm). Mức tăng chi đột biến của năm nay đã khiến 58 địa phương có số chi trên 50% dự toán được giao. Nếu so với quỹ được sử dụng trong nửa đầu năm nay, số bội chi đã lên tới 6.301 tỷ đồng. Theo tính toán, với tốc độ gia tăng chi phí này và không có các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chi phí, thì dự báo quỹ KCB BHYT cả năm 2017 sẽ bị thiếu trên 10.000 tỷ đồng” - đại diện BHXH Việt Nam cho biết.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi, theo BHXH Việt Nam, công tác thanh kiểm tra, giám định còn hạn chế do thiếu công cụ để giám định; Chưa thực hiện nghiêm quy định của Luật KCB: Chứng chỉ hành nghề, quy chế bệnh viện; Trách nhiệm quản lý quỹ của cơ sở KCB chưa cao trong khi đó tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT diễn ra phức tạp, khó kiểm soát: khuyến mại, không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện KCB, kê thêm giường, thống kê DVKT không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị; Người có thẻ BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày/tuần/tháng để trục lợi quỹ BHYT.

Theo ông Lê Văn Phúc- phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, do mức đóng BHYT không tăng nên nếu chính sách BHYT giữ ổn định dự kiến mỗi năm quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi KCB BHYT. Và đến năm 2020 sẽ sử dụng hết nguồn dự phòng để cân đối quỹ.

Siết chặt quản lý quỹ BHYT

Đứng trước thực trạng quỹ BHYT bội chi ngày càng gia tăng, ngày 19-5 cơ quan BHXH đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán chi KCB BHYT (chi BHYT) năm 2017. Theo đó, dự toán chi KCB BHYT sẽ giao cho từng địa phương trên cơ sở dự tính số chi BHYT và số thu BHYT năm 2017 của tỉnh, thành tối đa không vượt quá quỹ BHYT của tỉnh, thành được sử dụng trong năm. Tuy nhiên, quy định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các bệnh viện và Bộ Y tế.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi cơ quan BHXH Việt Nam và cho rằng việc làm của BHXH Việt Nam là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, số tiền BHXH Việt Nam giao dự toán chi KCB năm 2017 cho các cơ sở y tế cũng thấp hơn năm 2016, thấp hơn số giao dự toán chi BHYT của Thủ tướng giao cho BHXH Việt Nam. Trong khi năm 2017 viện phí được điều chỉnh tăng, theo đó dự kiến chi phí KCB sẽ tăng cao hơn năm 2016.Tuy nhiên ông Lê Văn Phúc cũng cho rằng, việc giao dự toán nằm trong kế hoạch để siết chặt việc sử dụng quỹ BHYT. Hạn chế nhiều bệnh viện buông lỏng quản lý nhằm trục lợi quỹ BHYT.

Cũng theo ông Phúc, nếu theo nguyên tắc quản lý tài chính, trong Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện đã quy định: Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng trong năm bằng 90% số thực thu quỹ BHYT; nguồn dự phòng được sử dụng trong năm cũng sẽ được cấp bổ sung trong trường hợp số chi lớn hơn số thu, vì các nguyên nhân khách quan đã được thẩm định. Do đó, theo các quy định hiện hành, BHXH Việt Nam bắt buộc và cần phải giao quỹ theo số thực thu BHYT để đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch các khoản từ quỹ BHYT.

“Việc giao dự toán là gắn trách nhiệm của UBND các tỉnh với các Sở Y tế nhằm tiết kiệm trong KCB. Tôi khẳng định việc giao dự toán không phải là cắt giảm quyền lợi của người bệnh, mà là sử dụng đúng, đủ cho những bệnh nhân thực sự cần sử dụng các dịch vụ y tế, không lãng phí, không vì tăng “nguồn thu” của BV mà có những chỉ định không cần thiết, thậm chí là kê khống, kê sai chi phí KCB. Đồng thời hạn chế tình trạng một người dù không có bệnh vẫn đi khám vài chục lần/tháng”- ông Phúc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quỹ Bảo hiểm y tế: Bội chi chưa có dấu hiệu giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO