Rượu, bia và hệ lụy

Xuân Thuỷ 03/05/2019 08:00

Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, đã có rất nhiều bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hoá, suy gan thận cấp do uống bia rượu quá nhiều. Cùng với đó những vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia, rượu cũng ở mức báo động.

Rượu, bia và hệ lụy

Nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn khi cho rằng người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu. Ảnh minh họa.

Nhiều biến chứng sức khỏe do sử dụng rượu bia

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm, tỉ lệ nam giới và thanh thiếu niên sử dụng rượu, bia đều ở mức cao, trong đó tỉ lệ nam giới sử dụng rượu bia ở mức có hại là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tác hại của rượu bia đã được giới khoa học chứng minh trên toàn thế giới, theo đó có 30 loại bệnh liên quan trực tiếp đến rượu bia trong đó có nhiều loại ung thư như: ung thư đường tiêu hoá, ung thư đại tràng, ung thư gan,… và các bệnh lý liên quan đến rượu bia như bệnh lý về não, bệnh đái tháo đường,…

Sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày, số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị vì xuất huyết tiêu hoá do uống rượu luôn tăng cao đột biến so với ngày thường. Các bác sĩ cho biết, đa số những bệnh nhân này đều bị các bệnh như xơ gan, bệnh lý dạ dày hoặc bị các bệnh về thực quản,… Việc uống quá nhiều rượu, bia còn có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hoá.

TS.BS Vũ Trường Khanh- Trưởng khoa Tiêu hoá (BV Bạch Mai) cho biết, uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái mỡ, tổ chức xơ phát triển dẫn đến xơ gan. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình đông máu,… Các bệnh nhân xơ hoá gan do uống rượu nhiều hầu hết đến viện trong tình trạng muộn, đã có biến chứng rõ ràng như xuất huyết tiêu hoá, vàng da, cổ trướng, viêm tuỵ...

Trong quá trình khám, chữa bệnh, các bác sĩ đã từng gặp những bệnh nhân bị xơ gan nặng do uống tới 1 lít rượu/ngày và chế độ ăn uống không hợp lý. Bệnh xơ gan tuy không lây nhưng nếu không chữa trị kịp thời, kéo dài tình trạng bệnh thì sẽ khiến các ống dẫn (ống dẫn mật, ống dẫn đường tĩnh mạch, các mao mạch) đến lá gan bị “đặc lại”, không dẫn máu từ hệ tĩnh mạch chủ khiến lá gan bị chai.

Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương- Giám đốc Trung tâm tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- BV Bạch Mai, cùng với rượu bia thì sự ô nhiễm môi trường sống, hút thuốc lá, ít vận động,… sẽ khiến cho độc tố dễ dàng tích tụ trong cơ thể, tàn phá sức khoẻ của con người. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, trong đó có các bệnh về gan, ung thư gan.

Gia tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông

Ngoài nguyên nhân gây hàng loạt bệnh tật ở con người, việc sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người lái xe do cơ thể phản ứng chậm, sự phối hợp các hoạt động bị hạn chế, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng nhiều rượu bia còn dẫn đến nhiều hệ luỵ như hung hăng, bạo lực,… Có thể thấy, rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra đều bắt nguồn từ bia, rượu.

Tại BV Việt Đức, thống kê sơ bộ cho thấy lượng bệnh nhân tăng đáng kể trong những ngày nghỉ lễ vừa qua. Mỗi ngày có khoảng 150 ca nhập viện cấp cứu, trong đó có tới 30-40 ca xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu. BS Bùi Trung Nghĩa- BV Việt Đức cho biết, hầu hết các ca cấp cứu đều có liên quan đến rượu, bia.

Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 đến ngày 30/4), trung bình mỗi ngày BV Việt Đức cấp cứu cho khoảng 150 trường hợp, trong đó 120 ca cấp cứu do tai nạn và 60% trong tổng số bệnh nhân này là cấp cứu do tai nạn giao thông, 30% ca cấp cứu do tai nạn sinh hoạt và 10% còn lại do các nguyên nhân khác.

Khi cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với các y, bác sĩ. Bởi lẽ cùng một mức độ thương tổn, nhưng đối với bệnh nhân uống rượu bia thì việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhẹ thì gãy xương, nặng thì chấn thương sọ não và có nhiều trường hợp tử vong.

Được biết, những bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông hầu hết ở độ tuổi lao động, nhiều ca nhập viện là nạn nhân của các đối tượng sử dụng rượu, bia.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, hiện nay nhiều người dân vẫn có sự nhầm lẫn khi cho rằng người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu nhẹ và rượu mạnh. Trong khi đó, các tác hại của rượu bia không hề phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống.

Theo bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), dù là rượu hay bia thì khi quy ra nồng độ cồn nguyên chất là như nhau, đều bị phạt và có nguy cơ gây hại đối với người tham gia giao thông. Do đó, không thể nói bia không gây hại như rượu được nên cần có cơ chế để kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rượu, bia và hệ lụy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO