Viêm não ở trẻ nhỏ - nỗi lo mùa hè

QM (theo GiadinhNet) 21/06/2017 17:16

Nhiều bé chỉ có biểu hiện sốt cao, không co giật, thậm chí tỉnh táo, nhưng rất nhanh chóng rơi vào tình trạng li bì, hôn mê vì bị viêm não, viêm màng não. Bệnh dễ bị nhầm lẫn, nên nếu không phát hiện kịp thời, di chứng rất nặng nề.

Khám cho trẻ ở Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Thắng

Đang khỏe mạnh, bỗng li bì, hôn mê

Nhìn cháu nội nằm thiêm thiếp trên giường bệnh tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bà nội bé Đ.M.T (4 tuổi, ở Hưng Yên) cho biết, so với thời điểm vào viện hôm đầu tháng 6, T đã đỡ hơn rất nhiều.

Bà kể, đầu giờ sáng 2/6, thấy bé sốt cao, không co giật mà người cứ gồng cứng lên, gia đình đưa đến bệnh viện huyện, sau đó được chuyển lên viện tỉnh. Đầu giờ chiều, cháu được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng li bì, hôn mê. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm não Nhật Bản. Hiện bé đã tỉnh hơn, mập mờ gọi biết nhưng không nói, không ngồi được, không nhấc được cổ. Bà nội bé T cũng cho biết, gia đình không nhớ chính xác bé đã được tiêm đủ số mũi vaccine viêm não Nhật Bản chưa.

Một bệnh nhi khác cũng mắc viêm não đang điều trị ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) là bé N.M.T (3 tuổi, ở Bắc Ninh). Đã hai tuần vào viện nhưng bé vẫn li bì. Các bác sĩ cho biết, cháu T được đưa đến viện khi sốt đã 3 ngày, có dấu hiệu li bì, tri giác bị liệt. Hiện bác sĩ chưa xác định được căn nguyên gây viêm não cho bé dù nghĩ nhiều đến viêm não Nhật Bản. Khác với bé Đ.M.T có hi vọng phục hồi chức năng, giảm di chứng sau viêm não, bác sĩ điều trị của bé N.MT chưa thể đánh giá được khả năng hồi phục bởi bệnh nhi đang trong giai đoạn cấp của bệnh, biểu hiện rất nặng nề, thậm chí bé đang có dấu hiệu liệt.

TS Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, Khoa tiếp nhận rải rác các bé có biểu hiện viêm màng não, viêm não vào điều trị. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết, từ tháng 5 hàng năm và trong suốt các tháng hè, số mắc viêm não, màng não do virus thường gia tăng. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, virus viêm não thường “tấn công” trẻ dưới 15 tuổi, đây cũng là lứa tuổi có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Mới đây, một bé trai 9 tuổi (ở Hà Nội) được bố mẹ đưa đến Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khám do sốt, nhưng bé vẫn tỉnh táo, chỉ biểu hiện đau đầu nhiều, nôn... Qua khám và kết quả xét nghiệm, cháu được chẩn đoán viêm màng não. Trong khi đó, PGS.TS Nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, với những dấu hiệu bé mắc phải, không nhiều bác sĩ nghĩ đến ngay từ đầu là bé mắc viêm màng não.

Một trường hợp khác là bé H.N.M (gần 1 tuổi, ở Hà Nội) vào điều trị Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt li bì, thóp phồng. Bé được nhập viện khẩn trương theo dõi viêm não, màng não. Qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chỉ định cho bé được điều trị viêm màng não.

Dấu hiệu nào cần đưa ngay đến viện?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc dự báo sẽ còn tăng cao trong các tháng hè khi thời tiết nắng nóng hơn. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, mùa hè thường gia tăng các ca viêm não, màng não do các tác nhân gây bệnh phát triển. Viêm não, màng não có thể điều trị khỏi, không để lại di chứng nhưng quan trọng nhất là trẻ phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Theo đó, trong mùa dịch viêm não, viêm màng não từ tháng 5 - 7, nếu trẻ sốt liên quan đến tri giác lơ mơ li bì, kèm theo dấu hiệu co giật khu trú tay chân co cứng, dấu hiệu thần kinh, đau đầu nhiều, cần nghĩ đến nguy cơ này để đến viện sớm. Bởi việc điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ di chứng để lại cho não bộ là vĩnh viễn, suốt đời.

Cha mẹ đồng thời cần chú ý: Nếu bé sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn mà dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả; bé mắc triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn, thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm nhất để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé.

Tuy nhiên, một điều khá thương tâm là do diễn tiến của bệnh viêm não, viêm não Nhật Bản thường phức tạp, lại dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên nhiều bệnh nhân đến viện khi đã có biến chứng. Viêm não Nhật Bản thường thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan. Trong khoảng thời gian này, gia đình chủ quan, nghĩ con bị sốt, viêm đường hô hấp thông thường nên không đưa đi viện. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, não chưa bị tổn thương, tỉ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn, ít di chứng thần kinh hơn.

Sau giai đoạn này, bệnh nhi có sốt cao liên tục 38-400C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao. Với các ca mắc viêm não thông thường, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể gây tổn thương não. Khi đã bị tổn thương não, bệnh nhân bị rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: Vật vã, mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt... Lúc này, việc điều trị vô cùng khó khăn. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10 - 20%.

Các bác sĩ cũng cho biết, viêm não, viêm não Nhật Bản nguy hiểm không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ hồi sức, duy trì đợi bệnh nhân tự hồi phục nên tỉ lệ tử vong cao, nếu khỏi tỉ lệ di chứng cũng cao hơn nếu phát hiện bệnh muộn.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, cần đưa ngay đến cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương như: Nhức đầu dữ dội, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt.

Khi trẻ được 1 tuổi, sẽ được tiêm mũi vaccine viêm não Nhật Bản đầu tiên; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm. Phải tiêm đủ 3 mũi hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 – 95%. Còn nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Nên nhắc lại bằng 1 mũi vaccine viêm não Nhật Bản khoảng 5 năm sau để củng cố miễn dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viêm não ở trẻ nhỏ - nỗi lo mùa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO