Việt Nam có ngân hàng mô đầu tiên

Theo VnExpress 16/10/2018 17:22

Ngân hàng mô bảo quản gần 1.000 mảnh xương sọ với hơn 300 mảnh đã ghép lại cho người bệnh, hàng trăm mẫu tinh trùng, mô tinh hoàn.

Chiều 16/10, Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, Bộ Y tế vừa ký quyết định cấp giấy phép hoạt động Ngân hàng mô Bệnh viện Việt Đức. Đây là ngân hàng mô đầu tiên tại Việt nam được cấp phép và hoạt động.

Ngân hàng mô có nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển mô. Mặt khác, ngân hàng cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học. Ngân hàng cũng cung ứng, trao đổi mô với ngân hàng mô khác và hợp tác với cơ quan tổ chức, cá nhân nước ngoài nhằm mục đích khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu y học.

Giáo sư Giang cho biết Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt đầu tiên trên cả nước. Bệnh viện thực hiện hàng chục nghìn ca đại phẫu hàng năm, trong đó ghép tạng, ghép van tim, mạch máu, ghép xương, gân trong chấn thương chỉnh hình... Đây là những mũi nhọn kỹ thuật đi đầu của bệnh viện.

Việt Nam có ngân hàng mô đầu tiên

Trái tim được một người chết não ở Hà Nội hiến tặng đựng trong thùng chuyên dụng chuyển vào Huế ghép cho bệnh nhân. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện của Việt Nam có nhu cầu lớn về ghép xương, mạch máu, van tim, gân... cho bệnh nhân. Viện Chấn thương Chỉnh hình từ năm 2011 đến nay đã ghép xương đồng loại cho 120 bệnh nhân, mổ nội soi tái tạo dây chằng khớp gối bằng móng, gân đồng loại cho 263 người. Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh hàng năm thực hiện hàng nghìn ca ghép mảnh xương sọ.

Trong khi đó, Việt Nam đến nay chỉ có hai phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo quản mô tại Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Trong khi có trên 300.000 ngân hàng mô ở 46 quốc gia thì Việt Nam chưa có một ngân hàng mô thực sự nào được thành lập để thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ điều trị cho người bệnh.

Ông Giang cho biết, những nguồn mô, tạng từ người cho chết não, những phần chi thể của người hiến tặng, nếu được thu nhận và qua quá trình xử lý, bảo quản đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân có nhu cầu ghép. Vì vậy, ngân hàng mô là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết.

Trước đó, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công An thăm hai cán bộ được ghép tạng thành công tại Bệnh viện Việt Đức. Sau đó Quỹ Nghĩa tình Đồng đội của ngành công an đã tặng 5 tỷ đồng giúp bệnh viện trang bị các hộp đựng tạng và các thiết bị chuyên dụng cho ngân hàng mô. Nhờ các hộp đựng tạng này, Bệnh viện Việt Đức đã chuyển quả tim hiến tặng từ Hà Nội vào TP HCM và Huế để các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế ghép thành công cho bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam có ngân hàng mô đầu tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO