Sức mạnh thực sự của THAAD mà Mỹ lắp đặt ở Hàn Quốc ra sao?

13/07/2017 09:30

Trong hôm thứ Tư vừa qua, Mỹ tuyên bố đã bắn hạ một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) giống như mẫu tên lửa hiện đang được một số nước như CHDCND Triều Tiên phát triển, trong một cuộc tập trận giả định của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Mỹ tuyên bố thử nghiệm thành công THAAD đặt tại bang Alaska của họ. (Nguồn: AP).

Thử nghiệm thành công

Đã được lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ thực hiện trên vùng biển Thái Bình Dương đặc biệt thu hút sự quan tâm trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào hôm 4/7 vừa qua.

Đây là lần thử nghiệm đầu tiên của hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) với mục tiêu giả định là một IRBM - loại tên lửa mà giới chuyên gia nhận định là có vận tốc nhanh hơn và khó bị bắn trúng hơn là các loại tên lửa tầm ngắn. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho hay, IRBM được thiết kế để hoạt động tương tự như các loại tên lửa có khả năng đe dọa nước Mỹ.

“Việc THAAD đánh chặn thành công một tên lửa IRBM đã củng cố thêm khả năng phòng thủ của đất nước đối với các mối đe dọa tên lửa đang gia tăng ở Triều Tiên hay các nước khác” - Cơ quan này nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Vụ thử nghiệm THAAD thành công vừa qua cũng làm tăng uy tín của các chương trình phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ, vốn đang chịu nhiều sự ngờ vực về độ tin cậy trong những năm gần đây sau nhiều vụ thử nghiệm thất bại.

Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ, cơ quan quan sát liên bang, mới đây đã nhận định trong một báo cáo hồi tháng 5 rằng, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa chưa từng thử nghiệm khả năng đánh chặn của THAAD đối với 1 IRBM, dù đã triển khai hệ thống này trên đảo Guam từ năm 2013 trong bối cảnh quan ngại về chương trình tên lửa Triều Tiên.

Điều này có nghĩa, cho đến vụ thử vừa qua, hệ thống THAAD vẫn chưa lần nào chứng tỏ khả năng của nó trong việc đánh chặn IRBM, hay các loại tên lửa có tầm bắn khoảng 3.000 - 5.500 km. Đảo Guam cách Triều Tiên khoảng 3.400 km. Và để bắn một tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, Triều Tiên cần phải khai hỏa 1 ICBM có tầm bắn trên 5.500 km.

100% đánh chặn thành công

Trong vụ thử nghiệm vừa qua, một hệ thống THAAD đặt tại Kodiak, bang Alaska, đã đánh chặn thành công một mục tiêu tên lửa đạn đạo được phóng từ một máy bay C-17 đang hoạt động ử phía Bắc Hawaii, theo tuyên bố của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ. Một vị quan chức giấu tên cũng cho hay, cuộc thử nghiệm diễn ra vào sáng hôm thứ Ba.

Vụ thử nghiệm này đã giúp cho hệ thống THAAD đạt được khả năng 100% theo dõi mục tiêu trong 14 lần thử nghiệm đánh chặn.

Hãng Lockheed Martin, nhà thầu chính của hệ thống THAAD, cho hay, hệ thống này có thể đánh chặn các tên lửa đang tiếp cận cả ở bên trong và bên ngoài tầng khí quyển của Trái Đất.

Mỹ cũng đã triển khai một hệ thống THAAD tới Hàn Quốc trong năm nay để đối phó với mối đe dọa từ các loại tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên. Động thái này đã vấp phải chỉ trích kịch liệt từ phía Trung Quốc, bên cho rằng dàn radar hiện đại của hệ thống này có thể tác động sâu vào lãnh thổ của họ.

Hồi đầu tháng, Moscow và Bắc Kinh trong một tuyên bố chung đã kêu gọi Washington lập tức ngừng lắp đặt THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuyên bố này nói rằng, Washington đang lợi dụng “vấn đề Triều Tiên” như một cái cớ để mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ở châu Á và gây rủi ro đối với cán cân chiến lược ở khu vực.

Tỷ lệ đánh chặn thành công được ghi nhận cho tới nay của THAAD cao hơn rất nhiều so với hệ thống Phòng thủ Tên lửa Mặt đất (GMD) của Mỹ trước kia, vốn được thiết kế để bắn chặn ICBM hướng tới lãnh thổ nước họ. Hệ thống GMD chỉ có tỷ lệ đánh chặn thành công 55% trong suốt khoảng thời gian hoạt động, khiến nó vấp phải vô số chỉ trích từ nhiều tổ chức trên toàn cầu.

Tuy nhiên, những người ủng hộ GMD lại cho rằng hệ thống này đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Mới đây nhất, trong tháng 5 vừa qua, hệ thống GMD đã đánh chặn thành công một tên lửa ICBM giả định là được bắn từ phía Triều Tiên. Chính vụ thử này đã khiến Lầu Năm Góc cập nhật đánh giá của họ về khả năng phòng thủ trước các loại ICBM của nước Mỹ.

Là một hệ thống phòng thủ được đặt trên mặt đất, THAAD được thiết kế để bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, cận trung và tầm ngắn. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, THAAD không được xem là một công cụ đánh chặn hiệu quả chống lại các ICBM có tầm xa hơn, hoặc các loại ICBM có tốc độ bay nhanh.

Tuy vậy, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ hồi tháng 6 vừa qua đã báo cáo trước Quốc hội rằng, họ có kế hoạch chuyển 52 tên lửa đánh chặn THAAD vào biên chế quân đội Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, nâng tổng số tên lửa đánh chặn loại này lên con số 210.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức mạnh thực sự của THAAD mà Mỹ lắp đặt ở Hàn Quốc ra sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO