Sức sống bolero

Dương Khánh 03/04/2016 10:00

Dù có một bộ phận công chúng cho rằng nhạc bolero thuộc hàng “sến”, nhưng nhiều năm qua dòng nhạc này vẫn sống. Thậm chí, nhiều người cho rằng đóng góp của nó vào dòng chảy cuộc sống đương đại là rất lớn. Vài năm trở lại đây, dòng nhạc này càng được ưa chuộng, khi nhiều ca khúc cùng với ngôn từ của nó đã chạm được vào lòng khán giả.

Sức sống bolero

Đàm Vĩnh Hưng cùng dàn hợp xướng hát bolero.

1. Trong giới nhạc, không ít ý kiến cho rằng, bolero ủy mị, ướt át, ủy mị. Có người còn cho rằng đó là dòng nhạc rẻ tiền. Nhiều năm qua, đây là dòng nhạc gây tranh cãi nhiều nhất, nhưng cũng được lượng công chúng đông đảo. Có người đã phải thốt lên: Nhạc sến chưa bao giờ bùng phát và trỗi dậy một cách mạnh mẽ, thế nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại và phát triển bên cạnh những dòng nhạc khác! Công bằng mà nói, thì dòng nhạc bolero có nhiều ca khúc bài hay. Thậm chí có những bài hát vượt thời gian, mà từ khi nó ra đời đến nay, luôn được công chúng yêu mến. Và cũng chẳng ít người đánh giá không công bằng, đã phải thay đổi quan điểm, bởi thấy rằng những tín đồ của bolero vẫn đông đảo trong đời sống.

Có một điều đáng mừng, là trong năm 2015, khoảng 100 ca khúc dòng bolero ra đời trước năm 1975 đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến trở lại. Đây không chỉ là sự thừa nhận, mà mở ra một cơ hội sáng tạo và thể hiện dòng âm nhạc này. Những ca khúc mới vẫn tiếp tục ra đời, sân khấu bolero vẫn sáng đèn. Nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục gây dựng sự nghiệp của mình gắn với dòng nhạc này như Cẩm Ly, Quang Lê… Nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, nên bỏ thái độ miệt thị dòng nhạc này. Đồng thời nên nhìn nhận những đóng góp của bolero đối với đời sống tinh thần người dân, khi nó đã bám rễ, ăn sâu không cách gì bứt ra.

2. Nhìn vào những năm qua, có thể thấy, các chương trình truyền hình vẫn tổ chức riêng cho bolero như “Tình khúc vượt thời gian”, “Sol vàng” (VTV 9), “Tình ca Việt” (Truyền hình Vĩnh Long), Solo cùng bolero… rất được quan tâm. Trong chương trình “Solo cùng bolereo”, Ban tổ chức còn dành tâm huyết tổ chức riêng một cuộc thi “Sáng tác cùng bolero”, và nhận về hơn 200 tác phẩm. Từ đó nhiều chương trình được tổ chức tại các nhà hát, nhiều khán giả đã bỏ ra số tiền không nhỏ mua vé để đến xem. Điều đó cho thấy sức hút của bolero chẳng kém so với nhạc trẻ.

Nhận thấy sức sống lâu bền của dòng nhạc này, nhiều chương trình khác tiếp tục lấn tới. Đơn cử như trong cuộc thi “Hãy nghe tôi hát”, trong đó 6 ca sĩ chuyên nghiệp lần lượt làm mới lại các ca khúc bolero nổi tiếng của Giao Linh, Thái Châu, Ngọc Sơn, Phi Nhung... Không ít nhạc sĩ cho rằng, việc mở rộng quy mô trong cả nước, những người làm chương trình mong muốn tạo ra một cơ hội cho những người thích dòng nhạc trữ tình, như “Thần tượng bolero”. Chương trình cũng mời được các huấn luyện viên- giám khảo vào ngồi ghế nóng, tạo thêm uy tín và sức hấp dẫn như ca sĩ Quang Dũng, Cẩm Ly, Đan Trường, Quang Linh. Những người làm “Thần tượng bolero” cũng tin rằng, giới trẻ vẫn từng ngày quan tâm đến bolero, và sẽ còn nhiều người trẻ khác trở thành tín đồ của bolero.

Sức sống bolero - 1

Phương Dung - “giọng ca vàng” của dòng bolero.

3. Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn, hiện sống ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, người có hơn 30 năm sáng tác dòng bolero, cho rằng, dù một số người còn chưa có cái nhìn khách quan, thì bolero vẫn có đời sống riêng. Đây là dòng nhạc dễ thuộc, dễ hát nên nhiều năm qua, không ít ca sĩ trẻ đã thể hiện thành công các ca khúc mà hàng chục năm được mến mộ. Đồng quan điểm ấy, danh ca Phương Dung, được mệnh là Nhạn trắng Gò Công, khi cất lên thì ai cũng trầm trồ bởi giọng ca tuyệt hay. Bà cho rằng, nếu ví ca khúc bolero như một câu chuyện, thì vai chính là người nhạc sĩ. Mỗi lời hát, nốt nhạc là tất cả tâm tư, tình cảm của họ. Chính từ những tâm sự có thật đó, người nghe cũng cảm thấy sự đồng điệu hay thậm chí là tìm thấy chính mình trong bài hát. Ngay trong chuyện sáng tác và chuyển tải bài hát, các nhạc sĩ cùng chọn luôn ca sĩ thể hiện. Để sau khi ra đời tác phẩm, họ ngồi với nhau, tâm sự để hiểu nhau hơn. Ca sĩ càng thấu hiểu nỗi lòng, tâm sự người nhạc sĩ thì càng chuyển tải tốt tâm tư vào ca khúc. Từ đó tác phẩm đến với công chúng bằng vóc dáng và sự đặc sắc nhất có thể.

Ấy thế nhưng, thế hệ những giọng ca vàng một thủa cũng tỏ ra lo ngại, rằng để tạo nên một thế hệ mới, có đam mê và nhiệt huyết thật sự chẳng dễ dàng gì. Có chăng, phải dựa vào chính những người có năng khiếu đặc biệt, và đam mê bolero đặc biệt.

Các nhà chuyên môn cho rằng, ở Việt Nam những năm qua đã du nhập khá nhiều dòng nhạc, nhất là giới trẻ đã du nhập dòng nhạc điện tử (EDM). Song, đây là dòng nhạc chủ yếu được dùng trong những vũ trường và một phần trong các show âm nhạc. Công chúng chỉ là người trẻ, còn đa phần không mấy mặn mà. Còn bolero có chỗ đứng trong lòng thì từ người trẻ, trung niên đến các bậc phụ lão. Thậm chí, dòng nhạc này cũng đã tạo nên một thị trường văn hóa phẩm, tức là các đĩa nhạc, đồng thời thu hút nhiều người hâm mộ, thậm chí có cả những fan cuồng. Đơn cử như có người trẻ thích Mạnh Quỳnh, mỗi lần ca sĩ này phát hành đĩa là phải tìm mua cho bằng được.

Dù thế nào đi nữa, bolero vẫn là một món ăn tinh thần trong làng âm nhạc. Và thay vì chê bai dòng nhạc này, thì các nhạc sĩ nên dồn tâm sức, viết ra những ca khúc giá trị khác. Dù là nhạc “sến”, thì cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Thậm chí, có nhiều nhạc sĩ cho rằng, hiện nay nhạc trẻ quá nhạt nhẽo, thậm chí lố lăng, câu từ lủng củng, phản cảm, nhiều người thấy chán nản đã tìm đến với bolero như để hoài niệm, tìm kiếm sự đồng điệu của tâm hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức sống bolero

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO