Sức sống của một di sản văn hóa

Hứa Nhi 04/12/2016 09:40

Hiện nay, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật trong đó có múa rối nước đang đứng trước nguy cơ mai một theo thời gian. Trái với thực trạng đáng buồn đó, phường múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) là một trong những nơi còn giữ gìn và phát triển bộ môn này nhờ những hướng đi riêng.

Nằm bên sông Cà Lồ, làng Đào Thục được coi là cái nôi của môn nghệ thuật rối nước với bề dày lịch sử gần 300 năm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng múa rối nước sẽ biến mất vĩnh viễn nhưng với tình yêu, trách nhiệm đối với nghề, những nghệ nhân trong làng vẫn tiếp tục phát triển môn nghệ thuật này.

Ông Nguyễn Văn Chương- nguyên Trưởng phường múa rối nước Đào Thục chia sẻ: “Vấn đề duy trì hoạt động của các phường nghề gặp nhiều khó khăn do lượng khán giả ngày càng ít. Điều này khiến các nghệ nhân rối không thể sống trực tiếp bằng nghề và buộc phải làm thêm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống như làm mộc, nông nghiệp”.

Tuy vậy, giữa bộn bề, hối hả của cuộc sống hiện đại, hơn 30 nghệ nhân của phường múa rối nước Đào Thục vẫn ngày ngày giữ lửa cho nghệ thuật rối cổ truyền. Nắm bắt được sự thay đổi trong thị hiếu của khán giả, bên cạnh những tích trò xưa nổi tiếng như: “Trâu chui ống”, “Lên võng xuống ngựa”, “Long, ly, quy, phượng”... các nghệ nhân đã sáng tạo nên những tích trò mới để mang loại hình dân gian này đến gần hơn với nhiều khán giả, có thể kể đến: “Hà Nội 12 ngày đêm”, “Rước ảnh Bác Hồ”... Đồng thời, múa rối nước Đào Thục còn giành nhiều giải thưởng cao trong các hội thi văn hóa.

Không chỉ muốn giới thiệu múa rối nước tới khán giả toàn quốc, Đào Thục còn mang loại hình nghệ thuật dân gian này đến với bạn bè quốc tế trong những đợt lưu diễn ở Ba Lan, Thái Lan, Trung Quốc... Phường có mạng lưới quảng cáo khá công phu, chuyên nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để đưa nét văn hóa truyền thống rối nước đến gần hơn với khán giả.

Lãnh đạo phường rối nước đã chủ động liên hệ với các công ty du lịch, cơ quan, trường học... để đến tận nơi phục vụ khán giả có nhu cầu xem múa rối nước, trong những dịp lễ hội, cuối tuần. Phường chú trọng việc đào tạo lớp nghệ nhân trẻ, tổ chức các lớp học khoảng 15- 20 người gồm các bạn trẻ trong làng yêu thích rối nước tham gia. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn cũng được đề cao bằng việc thực hiện kế hoạch xây nhà truyền thống, nơi trưng bày những quân trò rối nước, giới thiệu về lịch sử nghề rối nước của làng.

Giữa lúc những loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một thì phường múa rối nước Đào Thục đang có những hướng bảo tồn vững chắc với sự năng động, sáng tạo của thế hệ trẻ ở làng. Bằng tình yêu, trách nhiệm với nghề, các nghệ nhân đã vượt qua những khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường để tiếp tục bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật dân gian độc đáo này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức sống của một di sản văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO