Sức sống phố nghề Hà Nội

KTS Lương Văn Sơn 10/10/2016 09:42

Phố cũ đang bị những mô hình sản xuất hàng loạt, hàng hóa giá rẻ tràn ngập... Vì thế nguy cơ phố cũ bị xóa sổ không chỉ Hà Nội mà hầu hết các khu phố lịch sử tại châu Á đang chật vật bảo tồn. Liệu phố đi bộ có tạo cơ hội mới cho phố cũ?

Sức sống phố nghề Hà Nội

Không gian phố cổ Hà Nội hôm nay.

Di sản Thăng Long

Làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội ra đời và phát triển gắn bó chặt chẽ với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Trước kia dân cư bản địa đã có một số các làng nghề thủ công, như nghề dệt lĩnh ở làng Trích Sài, nghề kim hoàn ở làng Định Công.

Sự kiện Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đánh dấu một sự thay đổi to lớn đối với Hà Nội. Người dân từ khắp nơi kéo về kinh thành và vùng ven để sinh cư, lập nghiệp mang theo cả các nghề được truyền dạy từ lâu đời.

Xã hội tự sàng lọc, chỉ những người thợ giỏi nhất mới có thể cạnh tranh được với các thợ khác và trụ lại được ở lại Thăng Long; ngược lại những người có tay nghề thấp làm ra sản phẩm chất lượng thấp, hàng hóa của họ không có người mua, họ phải trở lại miền quê nơi họ đã sinh ra, để rồi với tay nghề bậc trung ấy, họ làm ra sản phẩm phục vụ đòi hỏi không cao của cư dân các miền quê ấy. Những thợ thủ công giỏi khi đến lập nghiệp và sinh sống tại Hà Nội, với trình độ tinh xảo, họ tạo ra được nhiều sản phẩm đặc sắc, thu hút được người dân khắp nơi tìm đến mua hàng.

Người thợ từ khắp nơi kéo về Thăng Long làm ăn buôn bán, đem theo cả gia đình đã góp phần tạo nên bộ mặt xã hội của kinh thành, đóng góp thêm vào sự giàu có của các làng nghề Hà Nội.

Không những làm cho bộ mặt xã hội phong phú, những người thợ thủ công khi về kinh thành còn đem theo cả phong tục tập quán, tín ngưỡng, lối sống, nếp nghĩ, những chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa từ làng quê họ sinh ra và lớn lên, làm cho văn hóa Thăng Long đa dạng hơn và chắt lọc được những ưu việt của văn hóa các vùng miền khác.

Paul Bourder, một viên chức người Pháp sang Việt Nam làm việc, đã mô tả về người thợ thủ công trong cuốn Từ Paris đến Bắc Bộ: “Thợ thủ công, cũng như thương nhân lập cửa hàng dưới mái hiên của họ và họ cắt, gọt, đóng gáy sách, dũa, cắt, may, bào, tiện, rèn, đóng đinh, vẽ, chải, thêu, dệt trước mắt bàn dân thiên hạ…

Họ uyển chuyển và nhẹ nhàng, ngồi xổm trên chiếu, người nọ chen vào người kia và làm lụng mà chẳng gây cản trở cho ai…”; “Cứ chừng cách nhau độ 6 hay 5 ngày các phiên chợ lại họp ở Hà Nội. Những thương nhân và thợ thủ công đủ mọi loại đến từ vùng nông thôn phụ cận đi vào thành phố.

Những người bán tơ lụa đi vào phố Hàng Tơ (Hàng Đào); Thợ làm xẻng cuốc và đồ đồng đi vào phố Hàng Đồng; Những người làm nón đi vào phố Hàng Nón...Nói tóm lại người nghề nào đi vào phố nghề ấy, và thành phố đã chuyển thành một chợ phiên rộng mênh mông trong đó người ta đi lại, la cà, trò chuyện, mặc cả bán mua và ồn ào sôi động...”

Nhưng làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội thực sự vươn lên mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 20, khi cả nền kinh tế truyền thống tự cung tự cấp bứt phá trở thành sản xuất hàng hóa. Từ phát triển kinh tế, Kẻ Chợ cũng hình thành một tầng lớp Doanh nhân Dân tộc và cả nền Văn hóa Doanh nhân Việt Nam thời Đông Kinh Nghĩa Thục.

Những di sản lịch sử của Thăng Long Kẻ Chợ Hà Nội hiện diện qua những phố nghề/ làng nghề/ tổ nghề và những biến đổi qua năm tháng nhưng vẫn còn hiện hữu trên khắp phố phường.

Có thể nói việc các làng nghề phát triển lên thành các phố nghề với mục đích để tạo thành các cơ sở buôn bán, giới thiệu sản phẩm không chỉ mang tầm chiến lược cho sự phát triển của các nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy sự đa dạng hơn nữa các hình thức, loại hình sản phẩm, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Thăng Long - Hà Nội

Khi phố cổ thành không gian đi bộ

Giờ đây việc sản xuất trong lòng khu ở cho một cảm giác tiện lợi với người mua – bán, thú vị với khách du lịch nhưng tạo ra 3 bất cập: Thứ nhất với diện tích quá nhỏ hẹp, việc sản xuất không thể hiệu quả, năng suất không thể cao dẫn đến giảm sức mạnh cạnh tranh.

Thứ hai với những người ở trong phố, việc sản xuất ngay tại chỗ ít nhiều tạo ra khó chịu về môi trường, về tiếng ồn,…

Thứ ba quỹ đất rất nhỏ hẹp, việc mua bán, xếp, dỡ hàng hóa, để xe làm cản trở, tắc nghẽn giao thông. Khi cả khu phố cổ Hà Nội trở thành không gian đi bộ, việc tiếp cận bằng xe cơ giới sẽ bị hạn chế, khi đó hai vấn đề sẽ ảnh hưởng lẫn nhau: sản xuất thì phá vỡ đi bộ, đi bộ thì cản trở sản xuất.

Cũng như ở các thành phố trên thế giới hiện nay, những sản phẩm sản xuất thông thường đều bị cạnh tranh của hàng công nghiệp; đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc giá rẻ và nhiều mẫu mà hào nhoáng. Từ tăm tre, bát đũa, đồ chơi, dụng cụ học tập, dụng cụ sản xuất đến đồ nội thất đều khó lòng cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc. Và vì vậy, sản phẩm làng nghề Hà Nội mất dần, nhường chỗ cho hàng hóa Trung Quốc.

Thực tế cạnh tranh là tất yếu, các sản phẩm truyền thống thông thường sẽ khó có thể tồn tại trên thị trường. Muốn tồn tại được thì yếu tố văn hóa, yếu tố bản địa và yếu tố đơn chiếc phải được đưa nhiều vào từng sản phẩm. Điều đó có nghĩa là người dân làng nghề, phố nghề truyền thống phải tự sàng lọc lựa chọn lĩnh vực hàng hóa của mình cho phù hợp, nhưng thành phố cần hỗ trợ họ về định hướng, khoa học kỹ thuật và hạ tầng cơ sở.

Bên cạnh thương mại thì du lịch cũng là một nguồn lợi lớn do làng nghề, phố nghề truyền thống mang lại. Vì vậy cần phải có phương án ứng xử phù hợp. Đối với những nhóm nghề gọn nhẹ, sạch sẽ thì cần được ưu tiên thuê thêm vỉa hè để sản xuất.

Ví dụ: may mặc, thêu ren, kim hoàn, ăn uống... Những nhu cầu thiết thực này nếu không được đáp ứng thì người dân sẽ lấn chiếm. Vì vậy cần giao cho họ sử dụng một cách có tổ chức.

Phố đi bộ Hà Nội đang bước đến một tương lai xanh hơn, phát triển bền vững hơn, như nó tiếp tục vươn lên từ nền tảng Thăng Long/Kẻ Chợ Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức sống phố nghề Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO