Suối Yến mùa hoa súng

Minh Duy 12/11/2017 06:30

Suối Yến tháng 11 được ví như mùa nước nở hoa bởi một màu hồng tím miên dọc hai bên suối. Vẻ đẹp bình dị của loài hoa dân dã hòa vào làn sương mờ ảo, núi biếc trập trùng khiến bước chân du khách chẳng muốn rời...


Suối Yến thơ mộng.

Suối Yến chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội chảy ra sông Đáy còn mang tên Yến Vĩ, vì có hình dáng tựa như chiếc đuôi xòe rộng của một con chim yến. Suối Yến dài khoảng 4 km, đưa du khách từ bến Đục đến Hương Sơn. Các cụ xưa có nói rằng ở phía ngoài hay còn gọi là bến Đục- biểu tượng cho sự trần tục.

Thế nên khi bước lên suối Yến và khi trở về các chùa trong tâm can con người ta đã khác đi rồi, tự nhiên bỏ được những thói tục để sống rất thanh tịnh, thánh thiện. Năm 1983, người ta đã đắp con đường tới động Hương tích, miễn làm sao đi vào trong nhanh nhất, nhưng do thời tiết, khí hậu, nước, đất mềm nên đường đắp lên tự vỡ. Đến nay, suối Yến vẫn là con đường thủy duy nhất để vào ngắm cảnh chùa Hương, mỗi dịp lễ hội chùa Hương đầu năm mới, thuyền bè tấp nập ngược xuôi kín cả lòng suối. Lúc đó không khí náo nhiệt, ồn ã, đông đúc khiến du khách khó lòng thưởng thức được hết cảnh sắc ở dòng suối này.

Vậy nên, để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của bức tranh sơn thủy hữu tình nơi đây, vào thời điểm này dòng suối được trả lại nét lãng mạn yên ả vốn có. Du khách như được hòa mình vào một bức tranh thủy mặc. Hai bờ suối là hàng cây lá chuyển sắc vàng đón mùa đông, và làn nước xanh biếc được tô điểm bởi hàng ngàn bông hoa súng màu hồng tím đẹp đến nao lòng. Khi bình minh lấp ló qua rặng cây thì hoa súng cũng bắt đầu rực rỡ đón chào ngày mới. Hoa súng vươn cao hơn mặt nước chừng 20 cm.

Giống như hoa sen, hoa súng chỉ nở trong buổi sáng, đến trưa nắng lên cao thì hoa khép lại. Bởi vậy, nếu ai muốn đến suối Yến ngắm hoa thì phải dậy sớm. Ngồi trên thuyền, đi dọc suối Yến người lái đò chậm rãi chèo thuyền. Tiếng du khách gọi nhau í ới. Tiếng nước vỗ vào mạn thuyền nghe như một bản nhạc thiên nhiên. Thấp thoáng những bóng áo dài thướt tha thả trên mạn thuyền chụp ảnh cùng hoa súng...

Đừng quên ghé lại những khe nước nhỏ rẽ ngang, ở đó, những nhánh suối được che chắn bằng lớp rào tự nhiên bởi những hàng tràm ít người biết đến. Ở những dòng lạch nhỏ cắt ngang nối vào chân núi. Ở nhiều chỗ, hoa súng soi bóng xuống mặt nước tĩnh lặng nơi vắng mái chèo khiến ta có cảm giác những đầm hoa chụm cuống nở ngược trên mặt nước, trong trẻo như soi trên một tấm gương.

Đến chùa Hương mùa không hội, nhiều người vẫn tìm vào động Hương Tích- điểm quan trọng nhất của chùa Hương được dân gian ví như hàm của một con rồng, rộng lớn, thênh thang, hun hút. Không gian bên trong động có một sự đối xứng hoàn hảo. Cũng giống như nhiều hang động khác ở Việt Nam, động Hương Tích cũng có vô vàn thạch nhũ, măng đá với nhiều hình thù độc đáo. Lối vào động, trên vách đá cao bên trái có khắc năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” là của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đặt bút đề tháng 3 năm Canh Dần (1770) khi nhà Chúa tuần du Sơn Nam. Trong động những khối thạch nhũ to nhỏ được người xưa thổi hồn đặt tên theo hình dáng tự nhiên: Trên trần động, rủ xuống chín nhũ đá hình chín con rồng chầu một khối thạch nhũ dưới nền động, gọi là “cửu long Tranh Châu “, núi Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, con trâu, con lợn, ao bèo, buồng tằm, né kén, núi Cô, núi Cậu và cả bầu sữa Mẹ thánh thót nhỏ như đếm thời gian mà du khách đến đây ai cũng mong mình may mắn có được một giọt lấy khước.

Khi bình minh lấp ló qua rặng cây thì hoa súng cũng bắt đầu rực rỡ nở ra đón chào ngày mới. Hoa súng vươn cao hơn mặt nước chừng 20 cm. Giống như hoa sen, hoa súng chỉ nở trong buổi sáng, đến trưa nắng lên cao thì hoa khép lại. Bởi vậy, nếu ai muốn đến suối Yến ngắm hoa thì phải dậy sớm. Ngồi trên thuyền, đi dọc suối Yến, nghe tiếng người gọi nhau í ới. Tiếng nước vỗ vào mạn thuyền nghe như một bản nhạc thiên nhiên. Thấp thoáng những bóng áo dài thướt tha thả trên mạn thuyền chụp ảnh cùng hoa súng...


Ngoài những gì thiên nhiên ban tặng cho động hương tích còn có rất nhiều điểm do con người tạo ra như : Chiếc bệ đá hoa sen được điêu khắc rất tinh vi, bốn góc bệ có bốn hình người đóng khố giơ tay lên cao như đang muốn đỡ lấy bệ. Bệ đá này do hai bà phi tần của vương triều Lê - Trịnh công đức, không ghi rõ niên đại chỉ ghi lại quý danh. Còn những pho tượng đồng thờ trên tam bảo động Hương Tích là do gia đình bà Trịnh Thị Ngọc Du hiệu Diệu Hương Viên Kim Chân Nhân công đức. Tượng đúc năm Ất Dậu (1705) niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ nhất đời Vua Lê Dụ Tông. Năm Đinh Hợi (1767) niên hiệu Vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 28, gia đình quan Tả Đô đốc thái phủ Liêu Quận công Vũ Đình Trác cùng phu nhân Nguyễn Thị Tân công đức đúc pho tượng Phật Bà Quán Thế Âm thờ hàng giữa ở tam bảo động.

Ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi này, Ban quản lý và các nhà đò cũng đang dần được chuyên nghiệp hóa. Nếu khách đi vào núi ở lại ăn trưa họ có thể mang theo thực phẩm phục vụ khách. Ông Nguyễn Xuân Hoan- phó ban Quản lý Khu di tích chùa Hương cho biết: Các nhà hàng phục vụ ở đây đều được tập huấn các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, ứng xử văn minh lịch sự với du khách. Từ cuối tháng 9 đến nay, mỗi ngày ban Quản lý di tích chùa Hương đón khoảng từ 300 - 500 khách tham quan. Có thời điểm cao đến 700 khách, trong đó có đến 40% là khách quốc tế tham quan suối Yến.

Vẻ đẹp của suối Yến mùa hoa súng để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng du khách bởi cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành, không bị chèo kéo, cũng như không bị người ăn xin đeo bám. Và dịp này về đất Phật du khách không phải chứng kiến cảnh sát sinh thú rừng để bày bán.

Nhưng có lẽ để điểm đến này thu hút du khách, ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Chùa Hương cũng cần làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, cần ngăn cấm đánh bắt cá bằng xung điện gây ô nhiễm môi trường và làm mất đi vẻ đẹp của suối Yến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Suối Yến mùa hoa súng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO