Syria trong tia hy vọng le lói sau 5 năm nội chiến

Khánh Duy 12/03/2016 09:05

Cuộc nội chiến ở Syria sắp bước vào năm thứ 6 liên tiếp trong tuần tới với một tia hy vọng le lói về một lệnh ngừng bắn toàn diện và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cường quốc nhằm dập tắt một cuộc xung đột phải trả giá bằng hàng trăm nghìn sinh mạng và đẩy hàng triệu người bỏ sang châu Âu.

Syria trong tia hy vọng le lói sau 5 năm nội chiến

Ảnh minh họa.

Giới phân tích nói rằng tình hình nội chiến ở Syria đã có nhiều biến chuyển trong 12 tháng vừa qua - với sự can thiệp quân sự của Nga cùng sức ép từ cuộc khủng hoảng di cư đang hoành hành ở châu Âu đã khiến các siêu cường phải làm mới các nỗ lực hòa bình của mình trên bàn đàm phán.

Bắt nguồn từ phong trào Mùa xuân Ả rập cách đây 6 năm, các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối Tổng thống Bashar al-Assad bắt đầu nổ ra từ ngày 15/3/2011. Hàng loạt các vụ bạo động, biểu tình bạo lực sau đó đã dẫn tới một cuộc nội chiến kéo dài, khiến hơn 270.000 người thiệt mạng và buộc hàng triệu người tháo chạy khỏi các thị trấn và thành phố bị hủy hoại bởi chiến sự.

Các nỗ lực hòa bình rời rạc trong suốt 5 năm qua hầu như đã thất bại trong khi chiến sự ngày càng ác liệt hơn, thêm vào đó là sự trỗi dậy của tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) như một nhân tố đáng sợ của cuộc xung đột. Năm 2015 đã chứng kiến ảnh hưởng ghê gớm của nội chiến Syria đến khu vực châu Âu, khi hàng trăm nghìn người dân Syria đến các bờ biển châu Âu, tạo nên cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.

Giới chuyên gia cho rằng làn sóng người di cư đã khiến cuộc khủng hoảng Syria trở thành tâm điểm bàn luận của phương Tây, đòi hỏi họ phải có hành động khẩn cấp.

“Chính nỗi lo của châu Âu về cuộc khủng hoảng di cư là nhân tố chủ yếu khiến họ phải đánh giá lại các chính sách của mình về Syria, việc tạo nên sự ổn định ngắn hạn được ưu tiên hàng đầu” - ông Karrim Bitar, chuyên gia phân tích thuộc viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Paris, nhận định.

Mãi cuối năm vừa rồi, cộng đồng quốc tế mới bắt đầu có nỗ lực lớn nhất từ trước đến nay nhằm dẹp tan nội chiến ở Syria, khi các nhà ngoại giao từ các cường quốc thỏa thuận kế hoạch ngừng bắn, tiến trình chuyển giao chính trị và tổ chức bầu cử ở nước này. Một lệnh ngừng bắn cục bộ, trong đó không bao gồm cuộc chiến chống lại IS và các tổ chức cực đoan khác, đã có hiệu lực kể từ ngày 27-2 vừa qua.

Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria tháng 9 năm ngoái cũng đánh dấu một bước thay đổi lớn khác trong tình hình Syria. “Sự can thiệp của Nga rõ ràng đã tạo bước ngoặt trong cuộc chiến ở Syria” - ông Bitar nói - “Nó cho phép chính quyền nước này củng cố lại sức mạnh và chiếm lại các phần lãnh thổ từng bị IS chiếm đóng”.

Ngược lại với nhiều ý kiến trước đó từng nói rằng nó sẽ bị đổ vỡ, lệnh ngừng bắn cục bộ này đến giờ vẫn vững vàng, dọn đường cho chính phủ và các phe nổi dậy trong nước tiếp tục tổ chức các vòng đàm phán hòa bình trong tuần tới ở Geneva, Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc là không tránh khỏi và bất chấp thay đổi tích cực tại chiến trường, vẫn còn nhiều ý kiến quan ngại về tương lai của Syria. Bất đồng nhất chính là vấn đề về số phận của ông Assad, mà đến nay các cường quốc vẫn không thể thỏa thuận được.

Moscow đến nay vẫn đánh tín hiệu rằng họ không muốn từ bỏ sụ ủng hộ lâu dài của mình đối với đồng minh quan trọng Syria. Trong khi đó, Washington, từ lâu đã hậu thuẫn phe nổi dậy ở nước này, cũng khó có thể thỏa thuận về điều đó. Nếu như các vòng đàm phán trong tuần tới thất bại, khả năng lệnh ngừng bắn hiện tại sụp đổ là cực cao.

“Nếu một lệnh ngừng bắn không được hậu thuẫn bởi một thỏa thuận chính trị, bạo lực sẽ dần dần trở lại” - ông Bitar nói.

Nỗ lực đàm phán luôn mâu thuẫn với lợi ích chồng chéo của các bên trong khu vực. Arab Saudi và các đồng minh Vùng Vịnh đang ủng hộ phe nổi dậy, trong khi nước tập trung đông cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi’ite Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon lại ủng hộ chính quyền Assad. Có thể thấy rõ bức tranh toàn cảnh về Syria đã trở nên phức tạp hơn nhiều sau 5 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Syria trong tia hy vọng le lói sau 5 năm nội chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO