Tả Phìn thoát nghèo từ nghề truyền thống

Nguyễn Nhung – L.H. 07/01/2017 10:30

Từ ý tưởng ban đầu muốn thành lập một nhóm trồng lanh và dệt thổ cẩm, sau 3 tháng nhờ sự tư vấn các chuyên gia, đến nay nhóm Trồng lanh và dệt thổ cẩm của chị Thào Thị Sung (dân tộc Mông) ở thôn Con Ngài, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã sản xuất được nhiều mặt hàng hơn và chất lượng tốt hơn… Nhờ đó nhiều hộ dân ở xã đã thoát nghèo, trẻ em đã không phải bỏ học để như trước.

Chị Thào Thị Sung tại hội thi sáng kiến giảm nghèo.

Sinh ra và lớn lên tại Tả Phìn cái nôi của nghề dệt thổ cẩm Thào Thị Sung luôn đau đáu trong lòng giấc mơ giúp người dân trong xã thoát nghèo từ chính nghề truyền thống của mình. Xuất phát từ mong muốn này Thào Thị Sùng cất công tìm đến nhiều nơi, nhiều người thêu thổ cẩm lão luyện để học hỏi nâng cao tay nghề, hiểu thêm về các nét văn hóa; cũng như tìm hiểu mô hình sản xuất hàng thổ cẩm.

Sau đó, chị Sung đầu tư xây dựng căn nhà nhỏ và trang bị khung cửi dệt lanh trên diện tích 250m2 với vốn đầu tư ban đầu 120 triệu đồng. Đồng thời, chị vận động người dân địa phương thành lập câu lạc bộ (CLB) Thổ cẩm số 1 thôn Can Ngài (xã Tả Phìn).

Sản phẩm của nhóm hoàn toàn được làm thủ công và sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên từ sợi lanh, màu nhuộm bằng vỏ, lá cây. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống (trang phục, khăn, mũ) chị Sung không ngừng tìm tòi, tham khảo để tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng như túi đựng laptop, ipad, máy ảnh; khăn trải bàn, vỏ chăn, gối, ba lô, túi xách, bìa đựng sổ…

Dù có giá khá đắt, nhưng sản phẩm thêu thổ cẩm của nhóm vẫn được nhiều du khách lựa chọn, bởi mẫu mã đẹp, chất liệu tốt và thân thiện với môi trường được khách du lịch trong và nước ngoài ưa chuộng.

Để quảng bá và bán được sản phẩm thủ công tới du khách nước ngoài, Thào Thị Sung đều đặn xuống thị trấn Sa Pa học tiếng Anh suốt ba tháng, rồi về dạy lại cho các thành viên trong CLB và mọi người trong bản.

Đến nay, sản phẩm của CLB Thổ cẩm số 1 Can Ngài của Tả Phìn không chỉ có mặt ở địa phương mà đã vượt qua hàng trăm cây số có cơ sở ở Hà Nội qua sự kết nối đảm nhận quảng bá sản phẩm của một nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao; cũng như vươn đến thị trường TPHCM. Từ 17 thành viên ban đầu, nay CLB đã có hơn 40 người. Sau hai năm hoạt động, CLB đã có doanh thu gần 800 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt gần 590 triệu đồng/năm; tạo thu nhập ổn định giúp cuộc sống dân bản bớt khó khăn.

Bên cạnh việc tạo việc làm cho người dân địa phương, chị Sung còn tích cực tham gia dạy miễn phí nghề thêu, dệt thủ công cho học sinh ở Tả Phìn.

Đều đặn các ngày trong tuần, chị Sung lại đến trường dẫn đường thêu sợi chỉ, giới thiệu về nguyên liệu, quy trình sản xuất sợi, ý nghĩa các loại hoa văn trong văn hóa phong tục dân tộc Mông; cùng lên ý tưởng mẫu mã, sản phẩm.

“Trước đây, sản phẩm thủ công thêu tay thường bị khách chê vì phần lớn các chị em thêu không bài bản. Nhưng khi chị em được đào tạo bài bản, mẫu mã cũng đa dạng nên được khách trong nước cũng như nước ngoài rất ưa chuộng “ - chị Sung chia sẻ.

Từ khi tham gia vào tổ, nhóm dệt thổ cẩm cuộc sống người dân xã Tả Phìn đã được nâng lên rõ rệt. Đáng ghi nhận vị thế của người phụ nữ cũng được nâng lên.

“Tham gia nhóm trồng lanh và dệt thổ cẩm đã giúp đỡ chị em phụ nữ cũng như các em nhỏ không phải đi ăn xin, chèo kéo khách du lịch bán hàng. Đặc biệt, giá trị của sản phẩm được nâng lên, thị trường được mở rộng nên người dân có thu nhập ổn định” - chị Lý Liềm Lý – một thành viên khác trong tổ dệt may thổ cẩm ở Tả Phìn cho biết.

Trước nhu cầu phát triển cùng sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia tư vấn hội thi, tháng 11/2016, Thào Sung đã vận động thành công Đoàn thanh niên xã Tả Phìn ủng hộ và đề xuất với UBND xã Tả Phìn ra quyết định thành lập Tổ hợp tác trồng lanh và phát triển sản phẩm thổ cẩm đồng bào Mông xã Tả Phìn, do Thào Sung làm Tổ trưởng.

Tổ hợp tác có kế hoạch mở rộng thêm khu vực sản xuất bằng cách xây thêm một xưởng vừa may thêu vừa bán hàng, phát triển tập trung khoảng 2 ha trồng lanh ở gần xưởng để khách hàng có thêm điều kiện trải nghiệm và có thêm lượng nguyên liệu.

Từ những chiếc ba lô, túi khoác du lịch, những chiếc khăn, túi xách tay, ví đựng tiền, áo choàng thổ cẩm đều do chính đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các bà, các chị, các em người Mông, người Dao thêu, luôn hấp dẫn đối với khách du lịch.

Sản phẩm thổ cẩm của nhóm.

Không chỉ bán trực tiếp cho khách du lịch khi đến Sa Pa, tiếng tăm thổ cẩm Tả Phìn đã được vang xa qua những lần triển lãm ở các hội chợ lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Pháp, Ðan Mạch. Từ hiệu quả mô hình đem lại tại hội thi sáng kiến giảm nghèo do Bộ LĐTB & XH phát động, mô hình của Tào Thị Sung đã đạt giải nhì.

Không chỉ dừng lại ở đó với khả năng lãnh đạo và nắm bắt nhanh nhạy, trong thời gian ngắn (từ khi tham gia phát động hội thi 2/8/2016 đến nay, nhóm đã đổi mới được mẫu mã thiết kế sản phẩm thổ cẩm (đẹp hơn, ứng dụng hơn, được đánh giá cao và được kết nối với chuyên gia để xây dựng dần thương hiệu cho nhóm.

Nhóm gắn kết với Doanh nghiệp xã hội-Sapa Ô Châu một thương hiệu về du lịch và các sản phẩm thổ cẩm như là đơn vị đối tác và nằm trong chuỗi sản phẩm, tham gia nhiều chương trình hội chợ quy mô quốc gia để giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Vì những nỗ lực và thành tích trong quảng bá nghề dệt thủ công và tạo ra sản phẩm thổ cẩm cho doanh thu lớn, Thào Thị Sung vừa được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của năm 2016 cho những thanh niên có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng cô gái Thào Thị Sung vẫn không khỏi trăn trở bởi chất lượng hàng hóa được cải thiện, nhưng hiện tổ hợp vẫn gặp khó khăn và vẫn chưa giúp được nhiều người dân trong xã thoát nghèo.

“Cả tổ có 30 chị em, nhưng chỉ có 3 máy khâu. Vì vậy, nhiều chị em phải mang vải tới nhà văn hóa may sản phẩm rồi sau đó lại mang vải về nhà để gia công và thêu tiếp. Tôi chỉ mong muốn có vốn đầu tư cho mỗi chị em một máy khâu để có thể tạo được nhiều cơ hội cũng như nâng cao thu nhập cho người dân trong xã” – Thào Thị Sung chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tả Phìn thoát nghèo từ nghề truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO