Tách bạch giữa kinh doanh hạ tầng và vận tải

V. Thắng 19/11/2016 09:05

Ngày 18/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đường sắt sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải đầu tư mạnh mẽ cho ngành đường sắt để tạo đột phá, song hành với đó là phân định rõ giữa kinh doanh hạ tầng và vận tải.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Hoàng Anh).

Thiếu tính kết nối

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng, chính sách phát triển đường sắt là loại hình vận tải ưu việt nhất mà các nước đều xác định ưu tiên phát triển, nhưng 130 năm qua chúng ta hầu như không phát triển đường sắt, vận tải đường sắt ngày càng yếu kém là do không đầu tư. Cho nên chính sách phát triển đường sắt sắp tới cần đầu tư đường sắt đôi Bắc-Nam, nếu có đường sắt đôi thì mỗi ngày chúng ta có thể đi vài trăm chuyến Bắc-Nam làm giảm áp lực cho đường bộ. Bởi nếu đường xa thì đường sắt là tối ưu và an toàn hơn.

Theo ông Thể, đường sắt chuyên dụng là một loại hình ưu việt, đối với các khu vực TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có nhiều cụm công nghiệp nếu hình thành được tuyến đường sắt chuyên dụng thì vận chuyển hàng hoá từ cảng đến các nhà máy sẽ an toàn hơn, rẻ hơn nhưng Luật lần này không nêu nên cho nên đây là thiếu sót. Các ga đường sắt là những đầu mối giao thông nhưng nhiều ga chỉ là điểm lên xuống, không có kết nối với đường bộ, ta phải điều chỉnh lại.

“Quy hoạch đường sắt phải nằm trong các loại hình vận tải hiện nay như đường bộ, đường thủy, hàng không. Nếu quy hoạch tốt thì trạm ga cũng có thể trở thành trung tâm thương mại. Không kết nối với bến cảng vậy làm sao hàng hóa đến cảng được. Ví dụ hàng về đến Sài Gòn rồi thì làm sao mà xuống cảng được?”-ông Thể nói.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng phát triển ngành đường sắt nên phát triển theo lợi thế tự nhiên hiện có của nước ta hiện nay. Các tỉnh ven biển đều có cảng biển cho nên việc đấu nối đường sắt với các cảng biển là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên ông Hùng đề nghị làm rõ quản lý nhà nước về đường sắt chứ không đánh đồng giữa quản lý nhà nước với Nhà nước là đại diện chủ sở hữu tài sản. “Chúng ta chưa quy định tách bạch giữa tổ chức nào quản lý? Tổ chức nào bảo trì bảo vệ kết cấu hạ tầng? Hạng mục nào do Nhà nước thực hiện? Hạng mục nào do doanh nghiệp thực hiện?”-ông Hùng đặt vấn đề và cho rằng nếu không làm rõ những vấn đề trên sẽ thêm bộ máy quản lý tài sản làm phát sinh thêm bộ máy cồng kềnh.

Mở đường phải theo quy hoạch

Trong khi đó, cho rằng đầu tư cho đường sắt cũng phải đồng bộ với các loại hình vận tải khác, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đưa ra thực tế: Hiện đầu tàu của ta không nước nào sản xuất nữa, nhiều lúc phải sang nước khác để mua thiết bị như kiểu “chợ trời”. Cho nên phải trên quy hoạch quốc gia, vùng và tỉnh vì tỉnh có khu dân cư, công nghiệp sẽ “đẻ” ra đường cắt ngang, chưa kể nhiều vấn đề có chồng chéo không tách bạch Bộ quản lý gì? Tổng cục đường sắt quản lý gì? Tỉnh quản lý gì? Tôi đi khảo sát thấy nước ta có 17.000km, trong đó 3.500km đường giao nhau vậy an toàn giao thông càng nghiêm trọng. Cho nên Luật phải quy định trách nhiệm cụ thể việc mở đường ngang. Theo đó mở đường phải theo tình hình kinh tế-xã hội, đúng quy hoạch, mở đường có rào chắn, tín hiệu, và không được mở đường ở khu dân sinh.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, ngành đường sắt hiện nay tụt hậu, yếu kém bởi công nghệ điều hành thủ công lạc hậu, mạng lưới thiếu kết nối, tư duy bao cấp, chất lượng dịch vụ kém. Trong khi đó, đường bộ chiếm khoảng 65% dịch vụ hàng hoá, thị phần đường sắt không đáng kể và đường bộ đang “độc diễn” gây ra nhiều bất cập như: ùn tắc, xe quá khổ, quá tải. Nguyên nhân là do chậm trễ đổi mới, lúng túng trong định hướng phát triển. Do đó để phát huy tối đa hệ thống, cần chính sách phát triển đường sắt, trong đó xác định rõ lộ trình trong đầu tư công trung hạn cần bố trí một khoản nhỏ để đầu tư.

Theo ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình), việc sửa đổi luật phải đảm bảo tốt hơn, chất lượng hơn, chi tiết hơn, minh bạch và cụ thể hơn. Tuy nhiên chất lượng luật là rất thấp nếu không nói tính áp dụng còn kém hơn cả luật cũ. Ông Tuấn đưa ra dẫn chứng: “Điều 7 về quy hoạch phát triển giao thông đường sắt bỏ nội dung quan trọng phát triển giao thông đường sắt gồm những gì? Nội dung quy định chi tiết trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân không có trong luật này trong khi luật cũ có quy định chi tiết”.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Trương Quang Nghĩa cho rằng, nhiều nội dung trong Dự thảo luật được ĐB phát biểu thể hiện chính kiến rõ ràng, đầy đủ, đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bỏ cho phù hợp với nhu cầu phát triển của ngành đường sắt. “Ban soạn thảo xin ghi nhận và tiếp thu ý kiến của các vị ĐB, sẽ tiếp tục cùng các cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong Dự thảo luật mà các ĐB quan tâm. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổng kết những vấn đề mà ĐB băn khoăn trong Dự thảo luật, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về đường sắt, tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp sau”-Bộ trưởng Nghĩa cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tách bạch giữa kinh doanh hạ tầng và vận tải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO