30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Bài 4: Thu hút FDI thế hệ mới

Nhật Minh (ghi) 08/10/2018 08:00

Nhìn nhận một cách khách quan cả những mặt được cũng như chưa được của việc thu hút FDI trong 30 năm qua; các nhà quản lý, giới chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị để thu hút đầu tư nước ngoài sẽ đi vào thực chất hơn và đạt được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Bài 4: Thu hút FDI thế hệ mới

Ông Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Thu hút có trọng tâm, trọng điểm

Việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong 30 năm qua đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần có điều chỉnh về mặt chiến lược, định hướng mang lại hiệu quả, khắc phục được những hạn chế. Bởi vậy, chúng ta sẽ tiếp tục thu hút FDI nhưng phải có trọng tâm và trọng điểm hơn, ví dụ gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu, gắn với Cách mạng công nghệ lần thứ 4 để khu vực FDI thực sự tạo ra sự lan tỏa vùng miền, liên kết doanh nghiệp nội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tập trung vào các dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao hơn…

Trong thời gian tới, việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư phải đi vào thực chất hơn cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) FDI và khu vực DN trong nước.

30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Bài 4: Thu hút FDI thế hệ mới - 1

Ông Huỳnh Thế Du.

Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam: FDI cần tạo sự lan tỏa

Vấn đề lớn nhất đối với FDI nhìn từ góc độ của Việt Nam đó là hầu hết các DN hay ngành sản xuất đều như “ốc đảo” chứ FDI chưa “bám rễ” hay tạo ra sự lan tỏa và hình thành các cụm ngành có khả năng cạnh tranh cao.

Nói cách khác, đó là việc không khai thác được lợi thế của các nhà đầu tư nước ngoài vốn có điểm mạnh về kết nối thị trường, trình độ quản lý tốt và nguồn vốn.

Đây là vấn đề nội tại của Việt Nam với ba hạn chế rất lớn là chất lượng giáo dục, khả năng nghiên cứu phát triển gắn với đổi mới sáng tạo và vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ. Thứ nhất, do trục trặc của hệ thống giáo dục nên lực lượng lao động có trình độ hay kỹ năng của Việt Nam rất mỏng.

Thứ hai, khả năng nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo hạn chế nên các DN trong nước không thể kết nối hay trở thành các nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ phụ trợ cho các DN FDI. Cuối cùng là, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không tốt khiến các DN FDI không muốn chia sẻ và thiết lập mối quan hệ đối tác dài hạn với các DN trong nước.

Và để có thể khai thác tốt lợi thế từ FDI cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế, tôi cho rằng, chúng ta cần tập trung và giải tỏa 3 nguyên nhân của những thách thức nêu trên. Thêm vào đó, một vấn đề hết sức quan trọng đó là cần phải giảm thiểu tình trạng cạnh tranh xuống đáy giữa các địa phương.

30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Bài 4: Thu hút FDI thế hệ mới - 2

Ông Hironobu Kitagawa.

Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng Ban đại diện Jetro Hà Nội: Cải thiện hiệu suất ngay tại nơi làm việc

So với các quốc gia lân cận, Việt Nam được nhiều DN Nhật Bản lựa chọn là điểm đầu tư trong lĩnh vực sản xuất với những lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công hay môi trường đầu tư ổn định…

Dù vậy, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập. Mà một trong những vấn đề lớn nhất các DN Nhật Bản gặp phải ở nước bạn chính là tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện còn thấp.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu – linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam chỉ đạt 33%, thấp hơn so với mức 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan; vì vậy nhiều DN sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ hai nước này hay một số quốc gia lân cận.

Đây được coi là vấn đề lớn nội tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo nhưng cũng chính là tiềm năng chưa khai thác hết của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Một yếu tố nữa là hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Theo tôi, muốn cung cấp những chế phẩm chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của DN nước ngoài, thì các bạn cũng nên lắng nghe ý kiến từ họ, qua đó xây dựng hệ thống cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cho các sản phẩm. Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực mình muốn tập trung, chú trọng trong sản xuất chế tạo, chỉ khi đó, chúng tôi mới có thể hợp tác với các bạn một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.

Đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực quan trọng, xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề từ các cấp bậc đào tạo như Đại học là điều cần thiết. Tại Nhật Bản, các chương trình đào tạo cải thiện hiệu suất làm việc, nâng cao kỹ năng tay nghề được thực hiện ngay tại nơi làm việc.

* Trong thời gian tới, việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư phải đi vào thực chất hơn cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Bài 4: Thu hút FDI thế hệ mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO