Gỡ điểm nghẽn để giải ngân vốn đầu tư công

Hồ Hương 18/04/2020 08:00

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội. Nhưng việc đó cũng không hẳn đã “xuôi chèo mát mái”.

Gỡ điểm nghẽn để giải ngân vốn đầu tư công

Nhiều công trình cần đẩy nhanh tiến độ nhưng thiếu vốn.

Tiến độ giải ngân quá chậm

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện tháng 3 năm 2020, cho biết: Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3/2020 là 61.591,412 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Nhà nước giao (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước là 58.596,195 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 2.995,216 tỷ đồng.

Mặc dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đóng góp vào tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, bên cạnh một số bộ, ngành địa phương có số giải ngân đạt trên 15% kế hoạch vốn được giao vẫn còn có 29 Bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có tới 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%). Trong báo cáo này, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312.000 tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút thì việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính bảo đảm đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công nêu trên. Bộ Tài chính kiến nghị, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; cho phép triển khai cơ chế giải ngân vốn vay nước ngoài trên môi trường điện tử, giải ngân không theo tỷ lệ cấp phát, cho vay lại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật về quản lý đầu tư. Kết thúc năm, trường hợp vốn kế hoạch vẫn chưa giải ngân hết, trình Quốc hội cho phép hủy bỏ để giảm bội chi ngân sách năm 2020.

“Nguy hiểm kép”

Giới chuyên gia cũng như nhiều người trong ngành ví von tình trạng chậm giải ngân đầu tư công thời gian qua như bài ca được hát đi hát lại nhiều lần.

Một số nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vẫn xưa như diễm, bao gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài...

Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Vốn đầu tư công thường là một trong những nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng, nên khi bị chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

Trên thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP.

Trong khi đó giới chuyên gia vẫn tiếp tục lo ngại, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn có thể kéo dài khi dịch Covid-19 chưa dứt. Khi các hoạt động sản xuất ngưng trệ thì vốn có cũng khó thông. Điều này khiến cho nền kinh tế bị nguy hiểm kép, đó là nợ nần tăng lên mà vốn không lưu thông được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn để giải ngân vốn đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO