Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng

Lê Bảo 07/06/2019 08:00

Sáng 6/6, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua và những vấn đề đặt ra đối với KTNN hiện nay.

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên – Phó Tổng KTNN cho biết, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã từng bước hoàn thiện và phát triển cả về khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động. Trong suốt tiến trình phát triển, KTNN giúp Quốc hội thực hiện giám sát và giúp Chính phủ quản lý điều hành chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực quốc gia; phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần minh bạch, an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia trong tiến trình đổi mới và hội nhập đất nước. “Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, thay thế hơn 1.200 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, đặc biệt góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước” - GS.TS Đoàn Xuân Tiên cho biết.

Đánh giá vai trò của KTNN, ông Bùi Đặng Dũng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho rằng, KTNN có vai trò quan trọng trong kế hoạch giám sát của Quốc hội, đặc biệt là giám sát về tài chính, ngân sách nhà nước. KTNN đóng vai trò quan trọng, giúp Quốc hội giám sát tối cao, đảm bảo minh bạch trong quản trị quốc gia, góp phần đảm bảo tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. “Các cơ quan của Quốc hội, HĐND chỉ có thể thực hiện tốt chức năng, bảo đảm được thực quyền trong các quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách và giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND về tài chính, ngân sách khi được sự trợ giúp đắc lực của cơ quan chuyên môn như KTNN” – ông Dũng đánh giá.

Đối với việc kiểm toán trong công tác giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) ông Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, các kết luận của KTNN đã đánh giá nêu bật những tích cực, hạn chế tồn tại trong công tác quản lý tài chính, điều hành ngân sách nhà nước ở địa phương. Đồng thời đưa ra những kết luận, kiến nghị xác đáng phù hợp đối với chính quyền địa phương các cấp (trong đó có HĐND các cấp) trong việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá cao vai trò của KTNN, song các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập và hạn chế trong tổ chức và hoạt động KTNN. Cụ thể là, khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện. Quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công. Chất lượng và hiệu lực kiểm toán còn khoảng cách không nhỏ so với yêu cầu. Khuôn khổ pháp lý vẫn còn chưa thật sự hoàn thiện. Quy mô kiểm toán mặc dù đã được mở rộng song vẫn chưa tương xứng với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính, tài sản công. Nguyên nhân, theo các đại biểu, hiện Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Do đó, đòi hỏi Luật KTNN phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung cơ bản như quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân liên quan, quy định cụ thể nhiệm vụ của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán cho KTNN.

Theo kế hoạch, Luật KTNN (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội tại Kì họp thứ 8, Quốc hội Khóa 14 vào tháng 10 năm nay để xin ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 414.000 tỷ đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO