Lợi nhuận nhiều, đóng góp ít

Hồ Luân 26/05/2018 08:00

Tổng Cục Thống kê mới công bố, năm 2017 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tạo ra 327.400 tỷ đồng lợi nhuận, khu vực DN nhà nước tạo ra 197.400 tỷ đồng, DN tư nhân tạo ra 188.100 tỷ đồng.

Như vậy, DN FDI đang đứng đầu bảng về lợi nhuận cũng là điều dễ hiểu vì tỷ trọng xuất khẩu của khối DN này đang chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ dù tạo ra lợi nhất lớn nhất nhưng DN FDI lại đóng góp vào ngân sách với con số khá khiêm tốn, chỉ 250.000 tỷ đồng. Khối DN tư nhân trước giờ vẫn được xem là nhỏ bé nhất lại đóng góp 434.700 tỷ đồng và khối DN nhà nước là 277.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân FDI lợi nhuận nhiều nhưng nộp ngân sách ít vì thành phần kinh tế này được nhận quá nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, môi trường… Đơn cử, đối với thuế thu nhập DN, DN trong nước phải nộp tối đa 22% thì DN FDI đóng mức cao nhất trong 30 năm cũng chỉ bằng một nửa số trên. DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao lại còn được miễn thuế trong xuất nhập khẩu. Ngoài ra, một số địa phương mong muốn FDI “chảy về” tỉnh nhà nên đưa ra hàng loạt ưu đã về giải phóng mặt bằng, giảm thuế đất, thậm chí là hỗ trợ cả kinh phí khởi nghiệp cho loại hình DN này.

Rõ ràng, DN FDI đã và đang được hưởng lợi rất lớn từ chính sách thu hút đầu tư. DN FDI từng bước khẳng định hiệu quả sản xuất cao, đồng thời dẫn đầu các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Thế nhưng, sau hàng chục năm có mặt tại Việt Nam, DN FDI vẫn không trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế. Mục đích chuyển giao công nghệ và từng bước đưa DN Việt Nam vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu vẫn mờ nhạt, xa xôi.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tính kết nối DN FDI và DN trong nước thật sự chưa hiệu quả. DN lớn chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa và kết nối một chuỗi giá trị tạo liên kết với DN trong nước. Không chỉ mất một lượng lớn ngân sách vì chính sách ưu đãi FDI, ngân sách từng bị thất thoát khi lượng lớn DN của khối này thực hiện chuyển giá. Tính đến tháng 12/2017, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, nhiều DN báo lỗ liên tục trong nhiều năm.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do chuyển giá của khối này. Coca Cola từng báo lỗ gần 4.000 tỷ đồng, vượt qua cả vốn điều lệ khi DN này đầu tư vào Việt Nam. Metro Cash và Amp Carry bị truy thu tiền vì chuyển giá liên tục sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam… Mớt nhất là Grab kêu lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng, trong khi vốn pháp định là 20 tỷ đồng.

Để tăng hiệu quả trong hút hút vốn đầu tư, thiết nghĩ chính sách thời gian tới không nên dễ dãi. Nghĩa là, thu hút xanh, sạch, công nghệ cao; giảm chính sách ưu đãi hướng đến môi trường kinh doanh cạnh tranh và lành mạnh; tăng tính lan tỏa của DN FDI với DN trong nước. Đặc biệt tăng tỷ lệ đóng góp của DN FDI vào ngân sách nhà nước, tránh tình trạng lợi nhuận cao nhưng đóng góp ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi nhuận nhiều, đóng góp ít

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO