Lương khó tăng nếu năng suất lao động thấp

Nguyên Khánh 11/05/2018 09:00

Trong khi Trung ương đang bàn thảo cải cách tiền lương thì mới đây Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách chỉ ra: Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động (NSLĐ), điều này thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, cải cách tiền lương phải gắn chặt với tăng NSLĐ, như vậy mới thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn thu để tăng lương.

Lương khó tăng nếu năng suất lao động thấp

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp.

Lương và năng suất lao động

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, NSLĐ bình quân của Việt Nam những năm qua đã có nhiều cải thiện. Tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động/năm vào năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng năm 2017.

Trong giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.

Như vậy, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm, nhưng so với lương thì có vẻ lương vẫn tăng nhiều hơn.

Theo đó, tốc độ tăng lương trung bình năm (6,7%) vẫn vượt quá tốc độ tăng NSLĐ (5%) trong giai đoạn 2004-2015.

Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, với nền kinh tế chủ yếu là gia công, giá trị thấp nên NSLĐ đương nhiên cũng thấp.

Muốn tăng NSLĐ phải thay đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế. Hiện tỷ lệ lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp dù đã cải thiện nhưng đang còn rất lớn. Trong khi đó, khu vực này tạo ra giá trị lao động không lớn, cho nên kéo NSLĐ xuống.

Khu vực công nghiệp những năm gần đây đã được đẩy lên nhưng khối gia công vẫn lớn. Phải chuyển dịch từ gia công sang điện tử, phải áp dụng công nghệ thông tin, máy móc hiện đại vào, nhất là chúng ta đang đề cập đến áp dụng công nghiệp 4.0, chỉ thực hiện được điều này mới tạo ra NSLĐ cao hơn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Nguyễn Đức Thành chia sẻ: Tốc độ tăng lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng NSLĐ là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam.

Bởi, lương nhanh hơn sẽ ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, tích luỹ tư bản chậm lại và không mở rộng được sản xuất để thu hút lao động.

Điều này lại tạo ra vòng xoáy luẩn quẩn. Điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng NSLĐ.

Cần giải pháp khả thi

Bàn về giải pháp tăng NSLĐ theo ông Phạm Minh Huân lâu nay ta vẫn cứ nói NSLĐ của nước ta rất thấp nhưng giải pháp vẫn chung chung, mà thiếu giải pháp căn cơ.

Tăng lương để khuyến khích tăng NSLĐ cũng là giải pháp, nhưng nếu làm không có trọng điểm mà theo kiểu dàn đều, cào bằng sẽ phản tác dụng. Như khu vực doanh nghiệp, lương tăng hay không, tăng ở mức nào là do thị trường quyết định.

Cứ đưa ra quyết định hành chính, nâng lương lên nhưng đưa cao vào thị trường không chấp nhận thì không làm được. Hay với tăng lương ở khu vực công là vấn đề ngân sách…

Đồng quan điểm, ông Lương Văn Khôi - phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, không thể nói chung chung là NSLĐ của Việt Nam thấp và cần nâng cao NSLĐ của Việt Nam.

Việt Nam cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp hơn. Đặc biệt cần quan tâm đến những nhóm ngành có NSLĐ cao và tốc độ tăng trưởng NSLĐ cao, như các nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất kim loại….

Khi đề cập đến tăng năng suất thì không thể không nói đến tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của từng tiểu ngành.

Để tăng TFP thì cần xem xét các thành tố của nó bao gồm tiến bộ khoa học kỹ thuật hay sự thay đổi về công nghệ, sự thay đổi hiệu quả kỹ thuật.

Chẳng hạn, sự thay đổi về hiệu quả kỹ thuật được chia thành sự thay đổi về hiệu quả kỹ thuật thuần tuý (do các yếu tố nội tại doanh nghiệp quyết định như trình độ máy móc thiết bị, trình độ lao động, trình độ quản lý) và sự thay đổi về hiệu quả quy mô (do các yếu tố môi trường bên ngoài quyết định như môi trường kinh doanh, thể chế, hội nhập quốc tế...) Trên cơ sở đó định lượng các nhân tố tác động đến từng thành tố một để đề xuất giải pháp phù hợp cho vấn đề tăng NSLĐ.

Quan tâm tới lương của cán bộ kỹ thuật

Ngày 10/5, Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt báo chí tuyên truyền Đại hội đại biểu công đoàn quân đội lần thứ IX (2018-2023).

Theo đó, Đại hội công đoàn quân đội lần thứ IX sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24/5/2018 với 605 đại biểu tham dự, trong đó có 370 đại biểu chính thức và 235 khách mời.

Thượng tá Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban công đoàn quốc phòng cho biết, thời gian tới, công đoàn quân đội phấn đấu 100% cán bộ, đoàn viên và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến năm 2023 hỗ trợ xây mới và sửa chữa 250 nhà “Mái ấm công đoàn-nghĩa tình đồng đội”.

Trả lời về việc Hội nghị Trung ương 7 đang bàn về đề án cải cách tiền lương vậy ngành quân đội tham gia như thế nào về đề án này, Thượng tá Đức cho rằng, lương của lực lượng quân đội cao và có hệ số cao nên khi hưởng lương hưu cao hơn. Tuy nhiên quân đội là lực lượng đặc thù, hầu hết cán bộ đóng quân ở vùng sâu xa, chủ yếu là cán bộ cấp chiến lược…

H.Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lương khó tăng nếu năng suất lao động thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO