Nhận diện dấu hiệu tăng trưởng chậm

Thuý Hằng 15/07/2019 08:00

“Khó khăn đã xuất hiện” là điều mà lãnh đạo Bộ Tài chính nhắc đến trong cuộc họp sơ kết của ngành mới đây.

Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chậm lại

Báo cáo mới nhất về tình hình thu chi ngân sách của Bộ Tài chính, bên cạnh các con số thu nghìn tỷ thì có một điểm đáng chú ý, đó là 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm thu từ khu vực DN nhà nước, thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiến độ thu từ tháng 5 đến nay tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng có dấu hiệu chậm lại và thấp hơn so với mức bình quân chung (tương ứng đạt 46,1%, 47,3% và 48,9% dự toán).

Điều này cũng khá tương đồng với các báo cáo do các tổ chức nghiên cứu kinh tế đưa ra. Trong đó, tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 do Viện Nghiên cứu và phát triển chính sách dẫn chứng, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,69% (yoy - so với cùng kỳ năm trước) thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2018. Thứ hai, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng yếu, ở mức 2,39% (yoy). Dịch tả lợn châu Phi lan trên diện rộng và thời tiết khắc nghiệt tại miền Bắc và Nam khiến năng suất và sản lượng lúa vụ đông xuân giảm do đó ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3% (yoy). Thứ ba, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,93% (yoy) thấp hơn mức 9,1% của cùng kỳ 2018”.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,7% (yoy), chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% , nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của Quý II/2018. Chỉ số tồn kho bình quân tăng cao theo đà từ năm 2018 lên tới 16,1% - vượt ngưỡng 11,4% của cùng kỳ năm ngoái. Điều này tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và DN thu hẹp quy mô sản xuất.

Do các khó khăn đã xuất hiện nên mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh càng nặng nề.

Có đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%?

Ngoài ra, nguồn thu ngân sách cũng dự kiến sẽ giảm dần theo thời gian dưới tác động giảm thuế từ các FTA, cụ thể giảm thu do ảnh hưởng từ FTA trong năm 2019 được ước tính khoảng 13.820 tỷ đồng. Cơ cấu thu thuế từ các khu vực kinh tế còn tồn đọng nhiều vấn đề khác nữa, trong đó cơ cấu thu thế chưa hợp lý chẳng hạn nguồn thu từ phía DN nhà nước không tương xứng với nguồn vốn đầu tư từ nhà nước .

Vậy mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra có khả thi, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu?

Giới chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ tiếp tục tập trung tiến trình cải cách cải thiện môi trường đầu tư cũng như tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay sẽ là yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế Việt Nam

Trong khi đó, ấn phẩm kinh tế thường niên “Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu dự kiến chậm lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận diện dấu hiệu tăng trưởng chậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO