Những thông tin cơ bản về ASOSAI và Đại hội ASOSAI 14

Theo TTXVN 17/09/2018 18:01

Từ ngày 19 đến 22/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững."

Những thông tin cơ bản về ASOSAI và Đại hội ASOSAI 14

Cuộc họp của Nhóm nòng cốt quản lý Kế hoạch chiến lược ASOSAI. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).

Đây là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn được lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Một vài nét về ASOSAI

ASOSAI là một trong 7 nhóm công tác khu vực thuộc Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI).

Vào tháng 9/1978, Tổng Kiểm toán Nhà nước của 9 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) khu vực châu Á cùng tham gia Hội thảo do Tổ chức phát triển quốc tế của Đức (DSE) tổ chức tại Berlin, Tây Đức.

Nhân dịp này, các Tổng Kiểm toán Nhà nước (kiểm toán Nhà nước) đã phê chuẩn và ký Hiến chương ASOSAI. Vào tháng 5/1979, Đại hội ASOSAI lần đầu tiên diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ đánh dấu sự ra đời của Tổ chức. Đại hội đã phê duyệt Quy định và Điều lệ của ASOSAI.

Từ 11 thành viên ban đầu năm 1979, đến nay ASOSAI có 46 thành viên là Cơ quan kiểm toán tối cao của các nước thành viên Liên hợp quốc ở châu Á với quy mô, tổ chức, tên gọi khác nhau nhưng thống nhất trong việc tăng cường và phát triển hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực công.

Mục tiêu hoạt động của ASOSAI là thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) thành viên thông qua việc trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công; cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo và bồi dưỡng kiểm toán viên nhà nước nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đóng vai trò là trung tâm thông tin và cầu nối giữa các SAI trong khu vực với các tổ chức khác trên thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công; thúc đẩy hợp tác và tăng cường năng lực kiểm toán viên thuộc các SAI thành viên tương ứng và giữa các nhóm khu vực.

ASOSAI gồm các cơ quan: Đại hội, Ban Điều hành, Ban Thư ký, Ủy ban Phát triển năng lực, Ủy ban Kiểm toán và các Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường.

Các cơ quan này chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động thường kỳ gồm tổ chức các kỳ Đại hội, các Kỳ họp Ban điều hành, xây dựng Kế hoạch chiến lược ASOSAI, phát hành Tạp chí ASOSAI, các hoạt động chuyên môn tăng cường năng lực (hội thảo, hội nghị chuyên đề...) và các hoạt động hợp tác quốc tế với các nhóm làm việc khu vực thuộc ASOSAI hoặc với các Tổ chức phát triển quốc tế như Cơ quan Sáng kiến phát triển của ASOSAI (IDI), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Đại hội ASOSAI

Đại hội ASOSAI là diễn đàn hợp tác đa phương lớn nhất và là cơ quan cao nhất của ASOSAI.

Đại hội được tổ chức 3 năm một lần, là nơi họp mặt của tất cả người đứng đầu các SAI thành viên ASOSAI nhằm thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng theo đa số về các văn bản, chế độ, chính sách cần thiết được thông qua để đạt được các mục tiêu và sự phát triển của tổ chức; trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm toán Nhà nước; bầu chọn thành viên Ban điều hành, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ kế tiếp.

Tham gia Đại hội có các SAI thành viên ASOSAI, lãnh đạo của INTOSAI, các Ban chuyên môn của INTOSAI và khoảng 10 đoàn là cá tổ chức quốc tế tham dự với tư cách là quan sát viên Đại hội.

Ngoài các phiên họp chính thức, trong khuôn khổ hoạt động của Đại hội còn có Hội nghị chuyên đề. Đây là hoạt động chuyên môn để các SAI thành viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Đại hội ASOSAI 14

Đại hội dự kiến sẽ có sự tham dự của 250 đại biểu đến từ 46 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp trưởng đoàn tương đương từ bộ trưởng trở lên; có đại diện INTOSAI và một số tổ chức quốc tế trong vai trò quan sát viên.

Đại hội cũng dự kiến đón tiếp khoảng 350 khách mời trong nước.

Trong khuôn khổ đại hội, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 là một trong những điểm đáng chú ý với nội dung "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững."

Đây là một trong những nội dung nghị sự quan trọng thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp của cộng đồng ASOSAI nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.

Với chủ đề này, các thành viên ASOSAI sẽ đóng góp tham luận về những thách thức, kinh nghiệm và giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng kiểm toán môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Quy chế ASOSAI, đăng cai Đại hội ASOSAI 14 đồng nghĩa với việc kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (2015-2024).

Trở thành Chủ tịch của ASOSAI 14 sẽ là cơ hội để kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp thu, vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế, nguồn lực từ tổ chức ASOSAI nói chung cũng như các thành viên ASOSAI nói riêng để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.

Các SAI đăng cai Đại hội và đảm nhiệm Chủ tịch ASOSAI qua các thời kỳ
- Ấn Độ: nhiệm kỳ 1979-1982
- Hàn Quốc: nhiệm kỳ 1982-1985
- Nhật Bản: nhiệm kỳ 1985-1988
- Indonesia: nhiệm kỳ 1988-1991
- Trung Quốc: nhiệm kỳ 1991-1994
- Ấn Độ: nhiệm kỳ 1994-1997
- Indonesia: nhiệm kỳ 1997-2000
- Thái Lan: nhiệm kỳ 2000-2003
- Philippines: nhiệm kỳ 2003-2006
- Trung Quốc: nhiệm kỳ 2006-2009
- Pakistan: nhiệm kỳ 2009-2012
- Ấn Độ: nhiệm kỳ 2012-2015
- Malaysia: nhiệm kỳ 2015-2018
- Việt Nam: nhiệm kỳ 2018-2021

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những thông tin cơ bản về ASOSAI và Đại hội ASOSAI 14

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO