Nợ thuế doanh nghiệp gia tăng

Thuý Hằng 22/04/2019 07:00

Số doanh nghiệp (DN) nợ thuế tại hai đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội tiếp tục tăng cao theo thời gian. Không những thế, số nợ thuế tại mỗi DN này cũng tăng, có nơi lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Trong đợt công bố tháng 4 với danh sách 191 đơn vị nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất với số nợ hơn 3.382 tỷ đồng thì có một số DN ở Hà Nội nợ tiền thuê đất từ năm 2015 đến năm 2018. Số DN này đã không ít lần bị Cục Thuế Hà Nội bêu tên nhưng vẫn không hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Đứng đầu danh sách này là Công ty CP Sông Đà - Thăng Long với số nợ hơn 360,5 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty CP Lilama Hà Nội nợ trên 118 tỷ đồng; Công ty CP Xuất nhập khẩu Tạp Phẩm nợ 91,5 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Điện tử Công nghiệp Việt Nam nợ hơn 83 tỷ đồng…

Ngoài ra còn có có 183 DN nợ trên 2.586 tỷ đồng thuế, phí; 5 DN nợ hơn 251 tỷ đồng tiền thuê đất và 3 chủ dự án nợ tiền sử dụng đất tổng nợ trên 544 tỷ đồng.

Trong khi đó, diễn biến DN nợ thuế tại TPHCM cũng không kém cạnh. Một thống kê cập nhật đến tháng 3 cho biết, trên địa bàn thành phố có gần 1.691 đơn vị nợ thuế với tổng số tiền lên đến gần 5.299 tỷ đồng. Đứng đầu trong các DN nợ thuế đợt này là Chi nhánh Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương tại TP HCM với khoản nợ “khủng” lên đến 818 tỷ đồng. Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân là DN nợ thuế đứng ở vị trí thứ 2 với khoản nợ 190 tỷ đồng. Tiếp theo là HTX Vận tải hàng hoá và hành khách Hải Âu nợ thuế số tiền 129 tỷ đồng và Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 8 với số tiền nợ thuế 114 tỷ đồng.

Trong danh sách DN nợ thuế bị Cục Thuế thành phố “bêu tên” lần này cũng có không ít DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản như Công ty Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc nợ thuế 50 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ xây dựng Hữu Nhân nợ thuế 42 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại - xây dựng kinh doanh nhà Tân Hồng Uy nợ thuế 40 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế tăng cao là do nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp không ít khó khăn trong cạnh tranh thương mại. Bên cạnh đó, một bộ phận người nộp thuế, đặc biệt là các DN mới kinh doanh thua lỗ tự giải thể, phá sản, đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh không nộp tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN) dẫn đến nợ thuế.

Thêm vào đó còn do quy định: Thuế chậm nộp so với thời hạn quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, không phân biệt giữa số nợ còn đối tượng để thu và nợ không còn đối tượng để thu. Quy định trên dẫn đến hiện nay số tiền chậm nộp thuế tính trên số nợ không còn khả năng thu ngân sách không ngừng tăng lên, trong khi thực tế các khoản nợ gốc này đã không có khả năng thu. Việc tính tiền chậm nộp thuế này đã làm tăng thêm số nợ khó đòi trên sổ sách theo dõi của cơ quan thuế, tạo áp lực cho cơ quan quản lý thuế.

Ngoài ra, các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng gặp khó khăn chưa nộp kịp thời, do các dự án đang phải giải quyết vướng mắc như: Chờ giải phóng mặt bằng, đền bù, tranh chấp, chờ phê duyệt phương án điều chỉnh mục đích sử dụng, điều chỉnh diện tích khai thác, chưa đi vào khai thác nên chưa có khả năng nộp tiền thuế. Tuy nhiên, theo quy định, cơ quan thuế vẫn phải tính ghi nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Bên cạnh những DN thực sự gặp khó khăn thì vẫn còn tồn tại một số khác chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, cố tình dây dưa, chây ì không nộp thuế đúng hạn, nợ thuế kéo dài... dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng. Ông Phi Vân Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng khẳng định, diễn biến nợ thuế đang rất khó lường, số nợ thuế mới vẫn cứ phát sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ thuế doanh nghiệp gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO