Quản lý vốn, làm sao hiệu quả?

T.Hằng 16/08/2018 09:01

Quản lý hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút mối quan tâm đặc biệt, nhất là khi tiến trình cổ phần hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Chưa kể, theo tính toán Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sẽ quản lý khối lượng vốn lên tới 5 triệu tỷ đồng.

Quản lý vốn, làm sao hiệu quả?

Tập đoàn Bưu chính viễn thông cũng nằm trong diện chuyển giao. Ảnh: Quốc Anh.

“19 ông lớn” về siêu ủy ban

Bộ Tài chính vừa ban hành Dự thảo quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN để lấy ý kiến góp ý lần thứ 2. Trong dự thảo lần 2 này, có 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nằm trong diện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ, ngành về Ủy ban này.

Theo đó Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đứng đầu danh sách DNNN, sẽ được chuyển giao từ Bộ Tài chính hiện nay về “siêu ủy ban” quản lý vốn. 18 doanh nghiệp còn lại là các tập đoàn, tổng công ty đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ Công thương, NNPTNT, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải.

Trong đó, 7 tập đoàn lớn sẽ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DNNN bao gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

11 tổng công ty bao gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Về hoạt động chuyển giao, việc chuyển giao quyền, trách nhiệm đại điện chủ sở hữu nhà nước từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố (gọi tắt là cơ quan chuyển giao) về “siêu ủy ban” phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của DN; có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ hoặc theo phân cấp thực hiện việc cử, bổ nhiệm các chức danh người quản lý, điều hành DN, người đại diện vốn, Kiểm soát viên theo quy định hiện hành DN (trừ Kiểm soát viên tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm).

Ủy ban phối hợp với Cơ quan chuyển giao xác định số tiền dư quỹ chung về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các lợi ích khác của người đại diện vốn, Kiểm soát viên do DN chi trả chuyển về cho cơ quan chuyển giao đến thời điểm ký Biên bản chuyển giao để tiếp nhận, quản lý, sử dụng theo quy định.

Trao quyền như thế nào cho hiệu quả?

Câu hỏi được quan tâm nhất khi hình thành mô hình siêu ủy ban thì việc quản lý vốn DN như thế nào để đạt hiệu quả cao. Bản thân siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nên tham gia vào hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Khi nguồn vốn nhà nước tại DN đã được tập trung giao cho siêu ủy ban liệu có cần kèm cơ chế giám sát nào khác đi cùng không.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, Dự thảo đưa ra những điểm cụ thể hơn về cách thức hoạt động, con người, quyền hạn cũng như nghĩa vụ của người đứng đầu trong mô hình siêu ủy ban. Khi đã quản lý nguồn vốn lớn, sẽ dẫn tới siêu quyền lực, vì vậy phải kiểm soát để phân bổ quyền lực hợp lý.

Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DNNN chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần “trao quyền” cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giám sát các DNNN. Bên cạnh đó là thu hẹp các đầu mối giám sát bởi hiện nay quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát, trong khi hiệu quả lại không cao, điển hình là các DNNN làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý vốn, làm sao hiệu quả?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO