Tầm nhìn phát triển dài hạn cho ngành ngân hàng

Thúy Hằng 12/04/2019 06:00

Sáng 11/4, Ngân hàng Nhà nước (NNHN) tổ chức Hội nghị triển khai “Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đặt ra là hiện đại hoá và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một sự kiện lớn thể hiện tầm nhìn dài hạn và bước đi vững chắc đối với sự phát triển của ngành ngân hàng. Chiến lược nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam...

Chiến lược đã xác định mục tiêu hiện đại hóa NHNN theo hướng có mô hình tổ chức hợp lý và cơ chế vận hành đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có đầy đủ vị thế pháp lý và trách nhiệm giải trình. Bên cạnh đó, Chiến lược cũng nêu rõ ngành ngân hàng thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế.

Theo Chiến lược, hệ thống ngân hàng phát triển năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững.

Ở nhóm ngân hàng thương mại, mục tiêu của ngành là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất 1-2 ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á về tổng tài sản.

Vấn đề xử lý nợ xấu cũng là yêu cầu cấp bách cho ngành ngân hàng trong thời gian tới. Theo đó, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ ở các tổ chức tín dụng xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Trong giai đoạn 2 (2021-2025), ngành ngân hàng đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trong giai đoạn này tất cả ngân hàng thương mại sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Và có thể sẽ thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.

Trong khi đó, theo báo cáo chiến lược phát triển hoạt động thanh toán, Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, trong những năm qua cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được đầu tư, nâng cao chất lượng trước xu thế bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ năm 2018 thanh toán qua điện thoại và di động đang gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2018, có 255 triệu giao dịch với giá trị 16 triệu tỷ đồng qua internet; số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là hơn 155 triệu giao dịch, giá trị 1,86 triệu tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm nhìn phát triển dài hạn cho ngành ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO