Thưởng tết 2020: Không nhiều biến động

Lê Bảo 17/12/2019 07:00

Những ngày cuối năm, nhiều người lao động bên cạnh sự quan tâm đến công việc, gia đình thì vấn đề thưởng Tết luôn là điều được người lao động trông đợi nhiều nhất. Theo đánh giá của các chuyên gia, thưởng Tết năm 2020 sẽ chỉ có sự biến động nhỏ. Đáng chú ý, mức thưởng cao nhất và thấp nhất giữa các khu vực doanh nghiệp, địa phương sẽ có sự chênh lệch rất lớn.

Thưởng tết 2020: Không nhiều biến động

Thưởng Tết vẫn là giải pháp được nhiều doanh nghiệp chọn lựa để giữ chân người lao động.

Nhiều doanh nghiệp lên phương án thưởng

Cứ mỗi khi cuối năm đến, câu chuyện doanh nghiệp thưởng Tết bao nhiêu lại ‘nóng’ trên các diễn đàn mạng và cả báo chí. Tết Nguyên đán 2019, thưởng Tết trung bình của cả nước là 10,032 triệu đồng trong đó mức cao nhất thuộc về một doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh khi đạt 1, 17 tỷ đồng và cũng có 4 DN gặp khó khăn không thưởng cho người lao động.

Năm nay đến thời điểm này vẫn chưa có thống kê đầy đủ về việc lương, thưởng Tết nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, thưởng Tết năm 2020 sẽ chỉ có sự biến động nhỏ bởi tình hình kinh doanh của các DN vẫn còn đang khó khăn. Mức thưởng trung bình sẽ vẫn chỉ duy trì ở mức thưởng là 1 tháng lương cho người lao động hay còn gọi là tháng lương thứ 13. Đáng chú ý, mức thưởng cao nhất và thấp nhất giữa các khu vực DN, địa phương sẽ có sự chênh lệch rất lớn. Số lượng DN thưởng Tết 300.000 – 500.000 đồng/người như năm ngoái chắc chắn sẽ có, vì một số DN quá khó khăn trong hoạt động kinh doanh, chi phí đầu vào tăng.

Ông Củ Phát Nghiệp- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, Ban giám đốc và tổ chức Công đoàn vừa chính thức có kế hoạch chăm lo Tết Canh Tý 2020 cho công nhân, với số tiền lương và thưởng dự kiến khoảng gần 1.500 tỉ đồng. Theo ông Nghiệp, để tính toán việc chi thưởng Tết Canh Tý 2020, Ban giám đốc Công ty sẽ căn cứ vào thời gian làm việc và hiệu quả công việc mà công nhân đã thực hiện trong năm. Vì vậy, tùy vào các tiêu chí này mà năm nay công nhân sẽ được thưởng từ 1 đến 2,2 tháng lương.

Ngành dệt may năm nay gặp không ít khó khăn, biến động xong theo thống kê của Công đoàn dệt may đến thời điểm này, thu nhập bình quân của người lao động ngành may là gần 8 triệu đồng/người/tháng; tăng 7% so với năm 2018. Đối với thưởng Tết, như năm trước, bình quân là khoảng 1,5 tháng lương, nhưng do thu nhập của công nhân đã tăng, nên theo tính toán của Công đoàn Dệt May Việt Nam, thưởng Tết tăng khoảng 10,3% so với năm trước.

Chia sẻ về mức thưởng Tết năm 2020 ông Phạm Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Phú Gia Vạn Điểm cho biết, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Ngoài ra, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ cũng góp phần nâng cao uy tín của sản phẩm gỗ Việt. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Công ty trong năm qua có sự tăng trưởng rất tốt, nên DN cũng sẽ có mức thưởng Tết cho công nhân cũng được cải thiện hơn. Theo đó nếu như năm ngoái, công ty thưởng cho công nhân tháng lương thứ 13 với số tiền bằng 1,8 tháng lương bình quân. Năm nay, nhờ đạt được kết quả kinh doanh khả quan hơn, nên chúng tôi sẽ điều chỉnh mức thưởng Tết cho công nhân lên khoảng 2,2 tháng lương.

Thưởng Tết vẫn sẽ được duy trì

Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019 vừa được Quốc hội thông qua thay thế cho Bộ luật Lao động 2012, trong đó nhiều quy định mới liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, bao gồm cả thưởng Tết của người lao động được đề cập trong bộ luật này. Thay vì chỉ thưởng bằng tiền, quy định mới cho phép mở rộng hình thức thưởng, bao gồm cả thưởng Tết bằng hiện vật. Theo đó, Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 quy định, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, trong bộ luật mới thông qua, Điều 104 quy định về “thưởng” thay vì “tiền thưởng”. Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, thay vì chỉ được thưởng cho người lao động bằng tiền, trong Bộ luật Lao động sửa đổi mới đã mở rộng các hình thức thưởng khác, cho phép người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp…

Quy định trên bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia việc thưởng Tết vẫn được duy trì và coi là nhân tố quan trọng để doanh nghiệp thu hút và giữ chân người lao động. Bằng chứng là hiện nay theo dù việc thưởng tết không hề được luật hóa bằng các quy định pháp luật của Nhà nước xong việc thưởng Tết vẫn được các DN chú trọng và thực hiện chỉ trừ số ít do việc sản xuất gặp khó khăn mới buộc phải chọn giải pháp không thưởng hoặc thưởng bằng hiện vật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thưởng tết 2020: Không nhiều biến động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO