Tái cơ cấu thị trường vận tải

Vân Hằng 27/02/2020 22:54

Các doanh nghiệp hàng không, hàng hải tích cực đàm phán, mở mới các thị trường quốc tế đến các khu vực không có dịch, mở thêm các tuyến nội địa, nhân cơ hội này đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải trong nước. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn về xử lý ảnh hưởng do dịch Covid-19 đến hoạt động vận tải, ngày 27/2.

* Thiệt hại hàng không lên tới hơn 10 ngàn tỷ đồng

Tái cơ cấu thị trường vận tải

Dịch SARS - CoV-2 ảnh hưởng lớn nhất đến lĩnh vực hàng không.

Thông tin sơ bộ từ các hãng hàng không cho thấy, thiệt hại do việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) hiện đã lên tới khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng. Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN cho biết, tính đến ngày 26/2, các hãng hàng không đã cắt giảm toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, cắt 25% số chuyến bay đi Đài Loan (chỉ còn 172 chuyến/tuần), cắt 69% chuyến bay đi Hồng Kông (chỉ còn 36 chuyến/tuần). Mới đây nhất, chỉ trong vài ngày, đường bay đến Hàn Quốc cũng đã cắt giảm 47% số chuyến bay (chỉ còn 309 chuyến/tuần). Riêng đường bay đến Nhật Bản hiện chưa cắt giảm nhưng các hãng đang theo dõi diễn biến thực tế, có thể sẽ phải cắt giảm chuyến trong những ngày tới.

Cũng theo ông Thắng, tính chung sản lượng hành khách của ngành hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng, từ trung bình 26 ngàn khách/ngày hiện chỉ còn 8-12 ngàn khách/ngày. Với diễn biến hiện tại, Cục HKVN dự báo cả năm 2020, trong trường hợp khả quan, dịch bệnh có thể kiểm soát được trước tháng 4/2020, tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với năm 2019. Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến việc phải hủy toàn bộ đường bay đến Hàn Quốc, tổng thị trường sẽ đạt 61 triệu khách, giảm 22,5% so với năm 2019. Trong đó, riêng các hãng hàng không Việt Nam sẽ bị giảm tới 41,2% khách quốc tế, 5,5% khách nội địa. Với tình hình sụt giảm này, Vietnam Airlines dự báo sẽ lỗ 4.300 tỷ đồng, Jestar Pacific lỗ 732 triệu đồng…

Với lĩnh vực đường bộ, lượng hành khách cũng giảm 16,3% so với tháng trước và gần 6% so với cùng kỳ. Về vận tải hàng hóa, tại các cửa khẩu với Trung Quốc, điển hình là cửa khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn lượng phương tiện tham gia hoạt động xuất nhập cảnh đã giảm hơn 50%. Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện nhiều nhà xe muốn cho xe dừng chạy vì vắng khách, thu không đủ bù chi, trong khi vẫn phải trả lãi ngân hàng, trả lương người lao động, mất thêm chi phí khẩu trang, nước diệt khuẩn.

Tương tự, đường sắt cũng đã giảm tới 45-47% sản lượng do ảnh hưởng dịch bệnh khiến doanh thu càng sụt giảm nặng, kết quả kinh doanh thua lỗ trong cả năm 2020 gần như đã rõ. Các ngành hàng hải, đường thủy nội địa cũng giảm mạnh sản lượng, doanh thu.

Nhiều giải pháp hỗ trợ khó khăn đã được các doanh nghiệp vận tải đưa ra, trong đó hầu hết các doanh nghiệp đều đề xuất được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách. Riêng trong lĩnh vực hàng không, ông Đinh Việt Thắng kiến nghị áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ 1-3 đến 31-5. Bên cạnh đó, Cục HKVN kiến nghị cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện giảm giá cho các hãng hàng không.

Trước kiến nghị của các ngành Vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan quản lý đánh giá chính xác ảnh hưởng xấu của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp, tránh trường hợp tranh thủ dịch bệnh để thổi phồng thiệt hại, giải quyết ngay các kiến nghị hợp lý trong thẩm quyền và tổng hợp các ý kiến kiến nghị với những vấn đề vượt thẩm quyền để đề xuất lên Chính phủ xem xét giải quyết. Bộ GTVT khuyến cáo và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp thanh lý, hoàn trả, chấm dứt các hợp đồng thuê phương tiện đối với các phương tiện vận tải đã cũ, không còn nhu cầu sử dụng. Bộ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp hàng không, hàng hải tích cực đàm phán, mở mới các thị trường quốc tế đến các khu vực không có dịch, mở thêm các tuyến nội địa, nhân cơ hội này đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải trong nước. “Doanh nghiệp vận tải dù khó khăn vẫn phải duy trì hoạt động thông suốt, đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương, tuyệt đối không làm ảnh hưởng, đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước”, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái cơ cấu thị trường vận tải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO