Tai họa đến từ bất cẩn khi làm đẹp

Thế Anh 10/11/2022 06:52

Chị N.T.T (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) sau lần cắt mí ở cơ sở mang tên “Thẩm mỹ 108 Hà Nội” (đường Nguyễn Tất Thành, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) hồi tháng 5 đã bị khủng hoảng tinh thần vì mắt mình trở thành bên to bên nhỏ, rất khó coi.

Nhiều cơ sở làm đẹp vẫn thực hiện phẫu thuật dù không được cấp phép.

Chiêu trò lập lờ đánh lận con đen

Tuy nhiên đây cũng không phải là trường hợp duy nhất người dân bỏ tiền mua sắc đẹp nhưng lại vớ phải tai họa. Chị T. cho biết, cơ sở này đã tiến hành thêm 1 lần tiểu phẫu để sửa sai, nhưng không mang lại hiệu quả.

Theo lời chị T., chị cũng như một số người khác tin rằng đây là cơ sở thẩm mỹ uy tín vì biển hiệu rất rõ ràng. Nhưng sau khi chị làm xong (hồi tháng 4) thì nhận được kết quả một bên mắt to, một bên mắt nhỏ, bên 10, bên 7. Quá hoang mang và đau buồn chị phải tránh tiếp xúc, phải dùng thuốc ngủ, bị mặc cảm, stress, tinh thần suy sụp.

Cùng kiểu đặt tên cơ sở lập lờ đánh lận con đen như “Thẩm mỹ 108 Hà Nội”, tại Pleiku còn có “Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy”, “Thẩm mỹ viện 175 Sài Gòn”... gây hiểu lầm là chi nhánh của các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đáng chú ý, facebook của các cơ sở này quảng cáo các ảnh, video, một số còn livestream trực tiếp các ca phẫu thuật cắt mí mắt, nâng mũi, nâng ngực, làm thẳng chân…. với chi phí rõ ràng. Có cơ sở tại đường Nguyễn Tất Thành(Gia Lai), nhân viên còn mời chào rất hấp dẫn: Mũi cao có, L-line có, S-line có, cao tây có. Làm không phải nghỉ dưỡng, xong đi làm bình thường, 7 ngày qua tái khám là xong. Quá trình làm chỉ mất 45 phút.

Tương tự, một cơ sở ở đường Phạm Văn Đồng (Gia Lai) “tư vấn”: Mổ nội soi là mổ vách, dành cho những mũi cơ bản, chỉ đẩy sống lên thôi. Nếu mũi bạn thấp thì sẽ được tiểu phẫu cấu trúc, rồi dựng trụ nữa. Không khác nhau là mấy, chẳng qua hơn nhau 3 mũi chỉ, mổ nội soi ít hơn tầm 3 mũi chỉ.

Sở Y tế Gia Lai cho biết, hiện tỉnh này chỉ có 2 đơn vị ở TP Pleiku được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ là Thẩm mỹ viện Á Châu (nằm trong Bệnh viện Mắt Cao Nguyên, đường Lê Duẩn) và Thẩm mỹ viện Á Đông (đường Ngô Gia Tự). Điều này có nghĩa là toàn bộ những “Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy”, “Thẩm mỹ viện 175 Sài Gòn” hay “Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức chi nhánh Gia Lai”, cùng các cơ sở khác ở thành phố Pleiku là không hợp pháp.

Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế Gia Lai, hiện có nhiều khó khăn trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh lĩnh vực làm đẹp ở tỉnh. Từ đầu năm 2022 tới nay, Thanh tra Sở Y tế cũng chỉ mới xử phạt 1 cơ sở theo nguồn tin của công an.

Thời gian qua, làm đẹp đã như một “phong trào” được nhiều chị em “phố núi” lựa chọn và chấp nhận chi trả số tiền lớn để cải thiện nhan sắc, tăng sự tự tin trong cuộc sống. Điều đó cũng không có gì đáng trách nhưng vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn phải làm hết trách nhiệm vì lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ có quy định nghiêm ngặt về yêu cầu y khoa.

Ẩn họa từ buông lỏng quản lý

Trở lại với trường hợp của chị N.T.T (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) sau khi làm phẫu thuật thẩm mỹ mắt gặp họa, cho dù cơ sở “Thẩm mỹ 108 Hà Nội” có giấy phép hoạt động nhưng theo điều Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 trong khoảng thời gian thẩm mỹ viện đó hoạt động mà làm tổn thất đến sức khỏe của khách hàng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại diện Phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, theo quy định, các spa, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các dịch vụ làm đẹp không xâm lấn như: phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da, xoa bóp, massage... Không dùng thuốc tê dạng tiêm, không sử dụng các thiết bị chiếu chụp ánh sáng (như laser) trên da làm thay đổi màu sắc trên da. Với các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn phải được thực hiện tại phòng khám, bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Điều kiện để phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đi vào hoạt động được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh: phải đảm bảo điều kiện về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Hà Nội có khoảng 100 cơ sở làm đẹp đã được cấp phép. Người có nhu cầu làm đẹp ngoài việc tìm hiểu cơ sở trên biển hiệu thì cần xem kỹ các cơ sở này chỉ được thực hiện các thủ thuật nào do Sở Y tế phê duyệt. Danh mục này cũng phải được niêm yết ngay tại khu vực tiếp đón để người dân được biết.

Vì vậy, việc thực hiện phẫu thuật làm đẹp tại các cơ sở “chui” là rất nguy hiểm. Có thể nêu ví dụ về trường hợp một bệnh nhân tới điều trị tại Bệnh viện Bưu Điện với ngực trái sưng to gấp rưỡi, nóng đỏ, đau tức, tâm lý rất nặng nề. Nguyên nhân do tiêm filler không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vô khuẩn và đúng kỹ thuật. Nạn nhân cho biết đã thuê dịch vụ tiêm filler, làm đẹp ngay tại căn hộ chung cư.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, chế tài xử lý các cơ sở thẩm mỹ trái phép khá nghiêm khắc. Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, cũng như xử phạt đối với những cơ sở hoạt động trái phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chưa thực sự nghiêm, chưa kịp thời. Hầu hết những cơ sở thẩm mỹ chỉ bị xem xét xử phạt khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Trên thực tế, nhiều cơ sở thẩm mỹ sau khi bị xử phạt, vẫn tiến hành hoạt động bằng cách đổi tên, đổi địa chỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tai họa đến từ bất cẩn khi làm đẹp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO