Tai nạn giao thông đường sắt giảm

Q.Toản 06/01/2020 05:20

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Trong năm 2019, cả nước xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông đường sắt, giảm 3 vụ so với năm 2018 (tương đương giảm 1,15%), làm 110 người chết, giảm 12 người (9,84%), bị thương 180 người, giảm 3 người (1,64%). Trong đó, tai nạn giao thông do nguyên nhân chủ quan là 10 vụ, khách quan là 247 vụ và do dự cố chạy tàu là 1.021 vụ, giảm 284 vụ (21,76%).

Về kết quả kinh doanh, VNR đạt sản lượng hơn 8.400 tỷ đồng, doanh thu gần 8.200 tỷ đồng, bằng 97,2% so với kế hoạch đề ra, thu nhập bình quân của người lao động là 9,12 triệu đồng/tháng. Năm 2020, ngành đường sắt phấn đấu giảm tai nạn giao thông đường sắt ít nhất 5% ở cả 3 tiêu chí; tiếp tục triển khai công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt; đẩy mạnh khai thác hàng hóa liên vận quốc tế. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh...

Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, ngành đường sắt còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Khó khăn lớn nhất là công tác quản trị, cạnh tranh giữa các ngành, điều kiện cơ sở để phát triển còn hạn chế. Đường sắt là một trong những ngành không có nguồn lực từ bên ngoài để phát triển mà chỉ có dịch vụ bán vé.

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng tại các đường ngang, lối đi tự mở, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông khi đi qua đường sắt. Nhiều trường hợp nhân viên đường sắt đã kéo gác chắn nhưng không chỉ xe máy, mà cả ô-tô vẫn cố tình phóng vượt qua. Vì thế, giải pháp đầu tiên, quan trọng và ít tốn kém nhất có lẽ vẫn là nâng cao ý thức của người dân. Mỗi người chỉ cần dành 30 giây quan sát trước khi băng qua đường sắt, chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc, gây ám ảnh trên tuyến đường sắt.

Ngoài ra, vấn đề khó khăn nhất của ngành đường sắt là thay đổi tư duy, nhìn nhận của xã hội về vai trò của ngành. Đầu tư cho ngành đường sắt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên vẫn chưa tương xứng. Ngành đường sắt tin rằng sẽ thay đổi được sự nhìn nhận của xã hội về một phương thức vận tải chủ đạo, nhưng đòi hỏi cần có thời gian, tinh thần đoàn kết, kiên trì cùng như sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành.

Về giải pháp thực hiện các nhiệm vụ năm 2020, đại diện VNR cho hay, Tổng công ty đường sắt Việt Nam dự kiến không xây dựng biểu đồ chạy tàu mới mà điều chỉnh cục bộ biều đồ chạy tàu năm 2019 để phù hợp với nhu cầu chạy tàu của các đơn vị vận tải, khắc phục sự cố gây tắc đường và kế hoạch phong tỏa khu gian đặc biệt khi triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc gói đầu tư nâng cấp hạ tầng đường sắt 7.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tai nạn giao thông đường sắt giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO