Tai nạn lao động: Bao giờ mới giảm?

Lê Bảo 21/11/2015 10:03

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB & XH) cho biết, mặc dù đã có nhiều chính sách cũng như các giải pháp được triển khai nhưng các vụ việc vi phạm an toàn lao động đang có xu hướng gia tăng và lặp lại về tính chất nghiêm trọng.

Tai nạn lao động: Bao giờ mới giảm?

TNLĐ nghiêm trọng ngày càng gia tăng.

Gia tăng tai nạn lao động

Khi đề cập tới hai vụ ở Hòa Bình và Hải Phòng trong ngày 18/11 vừa qua, ông Anh Thơ cho biết, qua báo cáo nhanh của địa phương cho thấy, cả hai vụ tai nạn sập tháp cần cẩu ở Hải Phòng và sập hầm lò than ở Hòa Bình là tình trạng lặp lại của vụ sập cần cẩu ở Hà Nội cuối năm 2014 và đầu năm 2015, vụ sập lò than ở Quảng Ninh năm 2014.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, qua khảo sát ban đầu tại các vụ tai nạn cho thấy, các chủ sử dụng lao động tại các nơi làm việc có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định về an toàn, vận hành và các quy chuẩn trong hoạt động và sản xuất.

“Vụ sập hầm lò than ở Tân Lạc (Hòa Bình) diễn ra ở một vùng khoáng sản có lịch sử là khai thác than thổ phỉ từ hàng chục năm trước. Việc khai thác này đã để lại rất nhiều mối nguy hiểm, cụ thể là những hố tích nước, bùn đất và rất khó kiểm soát về độ ổn định địa chất. Trong khi đó, đơn vị khai thác không đủ năng lực khảo sát, không có những biện pháp kiểm soát đầy đủ nên rất dễ xảy ra tai nạn, rất dễ xảy ra sập lò” – ông Thơ nói.

Theo Bộ LĐ-TB & XH; nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động (chiếm 54,1%), trong đó người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động.

Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động (chiếm 24,6%) như người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Còn lại là do các nguyên nhân khách quan khác chiếm 21,3%.

Có hạn chế được tai nạn lao động?

Trước thực tế này dường như mọi kỳ vọng đều gửi gắm vào Luật An toàn lao động chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 tới đây. Theo đánh giá, Luật có khá nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ về an toàn vệ sinh lao động của người sử dụng lao động, người lao động, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động.

Đặc biệt, Luật cũng đã đổi mới công tác huấn luyện, hoạt động kiểm định; hoạt động thống kê, báo cáo, điều tra về việc và tự kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay vấn đề cấp phép cho hoạt động kinh doanh nói chung cũng như hoạt động khai thác mỏ, các công trình thì chủ yếu là các cơ quan chuyên ngành. Các cơ quan lao động thì chỉ vào hậu kiểm, sau các hoạt động sản xuất kinh doanh rồi mới tiến hành kiểm tra chứ không tham gia từ đầu khi phê duyệt dự án đó.

Tuy nhiên, đến 1/7/2016 khi Luật An toàn lao động có hiệu lực, Bộ sẽ ban hành các văn bản quy định yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo đánh giá rủi ro ngay trong quá trình lập các báo cáo hoặc khi phê duyệt các dự án để kiểm soát những nguy cơ tai nạn từ nguồn. Cùng với đó sẽ có nhiều quy định siết chặt hơn nữa nhằm hạn chế tai nạn lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn khâu triển khai chính sách. Bởi không khó để nhận diện nguyên nhân của những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua phần lớn đều do không tuân thủ các quy trình về an toàn lao động. Trong khi đó hiện nay ngành lao động đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực về thanh tra.

Về điều này, Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, với đội ngũ 500 thanh tra viên hiện nay đang phải gánh nhiều nhiệm vụ của ngành như thanh tra lao động việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, người có công, an toàn vệ sinh lao động...đã là quá tải.

Khi Luật An toàn lao động có hiệu lực sẽ làm tăng thêm đối tượng quản lý với 35 triệu lao động khu vực không có quan hệ lao động và điều này càng thêm áp lực.

Trước thực trạng này, để bổ sung cho đội ngũ thanh tra cấp tỉnh, thành, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất 2 phương án trong dự thảo Nghị định liên quan tới phát triển đội ngũ thanh tra lao động.

Phương án 1, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiến nghị thành lập Chi cục An toàn lao động ở các tỉnh, thành với chức năng chính là thanh tra an toàn vệ sinh lao động. Cơ quan này có con dấu và tài khoản riêng.

Phương án 2, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đưa những công chức, kỹ sư của phòng an toàn việc làm đi đào tạo để trở thành thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tai nạn lao động: Bao giờ mới giảm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO