Tai nạn trong phẫu thuật thẩm mỹ: Nhiều lỗ hổng trong quản lý

Nguyễn Hoài 24/03/2022 14:19

Việc liên tiếp xảy ra 2 nạn nhân tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ trong những ngày qua không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho những người có nhu cầu làm đẹp mà còn cho thấy lỗ hổng trong việc quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, dẫn tới tình trạng hoạt động thẩm mỹ sai phép nở rộ.

Vấn nạn mạo danh bệnh viện lớn

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, Sở Y tế nhận thông tin phản ánh của người dân, báo chí, trên hệ thống mạng xã hội phản ánh tình hình thực tế về các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động lén lút không phép.

Theo đó, nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh với loại hình dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở chăm sóc da, cơ sở cắt tóc gội đầu, dịch vụ massage xoa bóp có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn liên quan đến y tế trên địa bàn...

Địa điểm nạn nhân H. đến nâng mũi ở Hà Nội.

Mặt khác, các trang quảng cáo trên các trang báo mạng, mạng xã hội thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ sử dụng thuốc, hay các hóa chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể con người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác như xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm...

Một số cơ sở trá hình bệnh viện, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, da liễu hoặc cơ sở đào tạo nghề để lén lút đào tạo và thực hiện các dịch vụ có liên quan đến thẩm mỹ, tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Tìm hiểu tại các bệnh viện lớn, tình trạng bệnh nhân phải nhập viện điều trị do tai biến bất thường sau khi làm thủ thuật, can thiệp dao kéo tại các spa, thẩm mỹ viện hoạt động trái phép không phải là ít.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong số các bệnh viện thường bị nhiều cơ sở làm đẹp mạo danh với nhiều tên gọi mập mờ gắn với số 108. Theo một bác sĩ tại bệnh viện này, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị các can thiệp hỏng, sai lầm tại các cơ sở thẩm mỹ không phép.

Trong số các bệnh nhân này, có không ít người đi làm đẹp do người quen mách nhau, hay tin vào những lời quảng cáo trên Facebook, thậm chí có người dù biết cơ sở thẩm mỹ đó hoạt động không phép nhưng vẫn liều mình làm đẹp.

Nhiều chị em bị biến chứng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở không uy tín.

Hoạt động không phép, mạo danh các bệnh viện lớn… đang là vấn nạn lớn với ngành phẫu thuật thẩm mỹ. Với nhiều năm kinh nghiệm làm thẩm mỹ, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia nhìn nhận, hiện nay, tình trạng các thẩm mỹ viện chui không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đang mọc lên tràn lan.

Điều này dẫn tới tình trạng “bác sĩ tay ngang” ngày một tăng, từ thợ cắt tóc, gội đầu hay thợ làm nail, phun xăm, spa chỉ sau một vài khóa học ngắn hạn là có thể tự xưng là bác sĩ.

BS Hoàng Thanh Tuấn ái ngại: “Với các chiêu trò marketing, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” đánh vào tâm lý của khách hàng là muốn làm đẹp nhanh, không đau, giá rẻ của người dân. Bên cạnh đó, sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân là lý do khiến cho tai biến biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng gia tăng”.

Phối hợp siết chặt quản lý

Sau nhiều vụ tai nạn thương tâm do phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi để tình trạng hoạt động thẩm mỹ sai phép nở rộ trong thời gian qua.

Liên quan tới vụ việc chị N.T.N.N. (33 tuổi, quê Đồng Tháp) tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A (TP Hồ Chí Minh), trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của Sở Y tế đối với những cơ sở thẩm mỹ gây ra những cái chết của nạn nhân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, về công tác quản lý nhà nước, Sở Y tế được Bộ Y tế giao cho nhiệm vụ cấp một số giấy phép, chứng chỉ hành nghề có liên quan công tác khám chữa bệnh, công tác dược.

Riêng từng trường hợp cụ thể, Sở Y tế sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý đối với một số đơn vị. Hằng năm, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ có kế hoạch đi kiểm tra tất cả cơ sở theo kế hoạch đề ra, đặc biệt các điểm nóng trên địa bàn.

Bà Mai cho biết, để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn, thời gian qua, Sở Y tế có chương trình kỹ thuật số, sử dụng app y tế trực tuyến để ghi nhận tất cả thông tin có liên quan phản ánh về hoạt động hành nghề y, dược, trang thiết bị. Bà Mai cũng mong rằng, khi có việc cụ thể, các cơ quan báo đài sẽ kết nối cùng Sở Y tế qua phần mềm y tế trực tuyến này.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ quảng cáo sai sự thật bị khách hàng "bóc phốt" trên mạng xã hội.

Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Nhấn mí mắt, nâng mũi, tạo lúm đồng tiền..., không được làm các phẫu thuật lớn như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực…

Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Xăm mắt, môi, lông mày…

Quy định rõ ràng là vậy nhưng trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên các cơ sở làm đẹp hầu hết đều gắn biển hiệu thẩm mỹ viện để đánh lừa khách hàng.

Hơn nữa hiện nay, các trang web, facebook, fanpage chính là kẽ hở để các cơ sở làm đẹp quảng cáo thổi phồng sự thật. Trên các hội, nhóm mạng xã hội về phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều khách hàng bức xúc, “bóc phốt” hay “tố” các dịch vụ không được như ý tại nhiều thẩm mỹ viện. Nhiều người rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Thậm chí, không ít khách hàng chia sẻ, có thẩm mỹ viện dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên mở cửa, bất chấp luật pháp và khách hàng. Rõ ràng, ở đây trong công tác quản lý vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Theo ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, tình trạng lớn hiện nay là đa số khách hàng tìm hiểu và tìm đến các cơ sở thẩm mỹ qua thông tin mạng xã hội và không chính thống.

Do đó, việc kiểm soát quảng cáo các cơ sở như thế này là rất khó khăn. Ông Trung cho rằng, cần sự hợp tác chặt chẽ của ngành thông tin truyền thông trong lĩnh vực quảng cáo để có thể ngăn chặn rà soát ngay từ khâu quảng cáo để khách hàng không tiếp cận với những thông tin của các cơ sở không phép.

Về hai vụ việc 2 nạn nhân tử vong do phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa qua, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có 2 văn bản gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Hà Nội yêu cầu báo cáo đầy đủ vụ việc, làm rõ nguyên nhân, kết luận chuyên môn của 2 ca tử vong này.

Cục yêu cầu, 2 Sở báo cáo gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước ngày 25/3 và công khai kết quả xác minh lên các phương tiện thông tin đại chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tai nạn trong phẫu thuật thẩm mỹ: Nhiều lỗ hổng trong quản lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO