Tài sản vô giá

Lê Na 08/05/2020 07:30

Trong cuộc chiến với Covid-19, công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đang được xem là hình mẫu của thế giới. Điều này đã được báo chí nước ngoài ca ngợi, các chuyên gia trên thế giới công nhận. Và sẽ còn nhiều câu hỏi đặt ra về những điều mà một đất nước đang phát triển như Việt Nam có thể làm được, nhưng chắc chắn rằng, sự đồng lòng của muôn người, tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc đã làm nên sức mạnh Việt Nam, từng bước đẩy lùi đại dịch.

Sau nhiều tháng xuất hiện, đại dịch Covid-19 như một cơn bão cuồng nộ quét qua Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh, cả châu Âu và phần còn lại của thế giới. Covid-19 đã phá tan những hệ thống phòng thủ tưởng như kiên cố nhất, hiện đại nhất. Nhưng thảm hoạ mang tên Covid-19 lại giống như một phép thử để mỗi quốc gia, dân tộc khẳng định bản lĩnh, lòng tự trọng vượt qua giông bão, đó là câu chuyện của Việt Nam mà báo chí nước ngoài đang nói đến.

Hãng tin Reuters của Anh đã dẫn lời một số chuyên gia y tế công cộng cho hay, thành công mà Việt Nam đạt được là nhờ những hành động nhanh chóng, quyết đoán khi giới hạn việc nhập cảnh, đưa hàng chục nghìn người đi cách ly và khoanh vùng, truy vết những ca nghi nhiễm bệnh với tốc độ nhanh chóng.

Khi nước Mỹ đang phải trải qua những “cột mốc đau thương” vì con số tử vong lên tới hơn 65 ngàn người thì tờ báo Washington Post đã cho rằng, thành công của “trường hợp ngoại lệ” mang tên Việt Nam đã mở ra những “bài học” cho Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu.

Còn rất nhiều tờ báo nổi tiếng của Nga, Austrailia, Đức…ca ngợi thành công của Việt Nam đã có nhiều biện pháp khống chế hiệu quả đại dịch này, nhưng trong rất nhiều bài báo, tôi đặc biệt chú ý đến bài phỏng vấn ông Manuel Wendle, chuyên gia người Đức hiện làm tư vấn tài chính tại Việt Nam trên tờ báo Die Oberbadische của Đức.

Theo ông Wendle, đó là bởi Việt Nam đã có sự đồng thuận xã hội rộng rãi trong việc ủng hộ các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và các biện pháp đó đã được thực hiện xuyên suốt từ trên xuống dưới. Việt Nam là ví dụ rõ ràng cho thấy nếu những quyết định chính trị đạt được sự đồng thuận xã hội rộng rãi, thì các biện pháp chống đại dịch sẽ thực sự thành công.

Sự đồng thuận hay tinh thần đoàn kết mà một chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam như ông Manuel Wendle cảm nhận được, chính là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam mỗi khi phải đương đầu với hiểm nguy.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu khi đối mặt với dịch bệnh này là một cuộc chiến “Chống dịch như chống giặc” mà muốn đánh giặc, muốn thắng giặc thì trước tiên cần sự đoàn kết, đồng lòng muôn người như một. Điều này không chỉ được thể hiện qua việc người dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch mà còn đồng lòng ủng hộ, “nhường cơm sẻ áo” cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ để không ai bị bỏ lại phía sau.

Sau 46 ngày Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn dân tham gia ủng hộ Phòng chống dịch Covid-19, cánh cổng trụ sở cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam chưa khi nào khép lại vì từng đoàn người vẫn tìm về ủng hộ.

Tôi nhớ mãi ánh mắt trong trẻo của cậu bé Lê Minh Tuệ, lớp 2H, Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, TP Hà Nội khi theo mẹ đến cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam để ủng hộ toàn bộ số tiền tiết kiệm 467 nghìn đồng mà cậu bé dành dụm từ ngày học mẫu giáo. Hay hình ảnh bà Nguyễn Thị Ba, 87 tuổi, ở thôn Kỳ Phong, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đi bộ, khệ nệ xách theo 5kg gạo cùng vài bó rau tìm đến tận điểm cách ly tập trung tại Trường Mầm non xã Thạch Đài để ủng hộ.

Bà Nguyễn Thị Ba là mẹ liệt sĩ nên hơn ai hết bà là người thấu hiểu những gian khổ, hy sinh và mất mát khi phải đối diện với một cuộc chiến. Bà không có tiền, chỉ có dăm cân gạo cùng với mớ rau, trái cà trong vườn mang đến để động viên, chia sẻ với những người đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch.

Trong giai đoạn khó khăn của công tác phòng chống dịch, bên cạnh sự ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức thì nghĩa cử nhân ái của mỗi một người dân bình thường như cậu bé Lê Minh Tuệ hay cụ bà Nguyễn Thị Ba đã cho thấy những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều xuất phát từ tấm lòng của mỗi cá nhân nhỏ bé, như những giọt nước mát lành tạo nên biển lớn.

Nhờ sự đồng lòng ấy, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa công bố con số gần 2.000 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua MTTQ Việt Nam. Nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì “đây là con số ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay”.

Điều này thể hiện cho niềm tin của người dân vào sự công khai minh bạch của Mặt trận trong công tác tiếp nhận hỗ trợ và giám sát hỗ trợ. Nhưng lớn hơn cả một con số là những ân tình mà người Việt Nam đã dành dụm cho nhau. Đó cũng là tài sản vô giá, là truyền thống “tương thân tương ái” bao đời của người Việt Nam.

Vì vậy, 2.000 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng khi người dân vẫn tìm đến Mặt trận để trao gửi tấm lòng, thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Sớm nay, ngày 7/5 (tức ngày 15/4 âm lịch) 3 hồi chuông trống Bát nhã để mừng ngày Đức Phật đản sinh đã đồng loạt vang lên từ các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước. Đại lễ Phật đản là ngày lễ trọng của những người theo đạo Phật nhưng khi tiếng chuông ngân nga mang theo lời nguyện cầu về quốc thái dân an, cầu nạn dịch Covid-19 sớm được tiêu trừ…như xóa nhòa mọi sự khác biệt, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn để cùng suy ngẫm về trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của đất nước trong cuộc chiến với Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài sản vô giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO