Tại sao người Việt ngày nay đi lễ nhiều

PGS.TS Trần Lâm Biền 18/08/2019 08:00

Trong lĩnh vực sinh hoạt tâm linh, có một câu hỏi lớn đặt ra, ít nhất, đối với những nhà nghiên cứu văn hóa, là: Tại sao có nhiều người đi lễ ở các đình, đền, chùa, phủ, đến thế? Mọi thành phần, tầng lớp xã hội, trẻ, già, gái, trai… đều kính cẩn trước các thế lực siêu hình, nhất là những nơi được đồn thổi là linh thiêng. Hiện nay, chưa mấy ai giải đáp thấu đáo vấn đề này.

Tại sao người Việt ngày nay đi lễ nhiều

Xu hướng sinh hoạt tâm linh của người Việt ngày một gia tăng. Ảnh: Quang Vinh.

Theo chân những người được gọi là tín đồ, chúng tôi cùng tới thăm các điện thờ thần. Ở nơi ấy, đa phần chỗ ngự của Thánh/Thần nay đã thành một cái “chạn”, đồ thờ và cả nhiều thứ vốn không phải là đồ thờ hay “cận đồ thờ” cùng hoa quả bánh kẹo, kể cả đồ giả, bị người đời “bắt ức” đặt lên môt cách vô lối, như cố tình “hối lộ” thần linh… với một ẩn ý về lời khoán ước, mong đạt được những gì đó rất đời thường, đầy tính cá nhân. Những lời cầu về “quốc thái dân an”, hầu như, chỉ còn là câu mở đầu mang tính thông lệ, không làm xúc động tâm hồn ai, rồi sau đó là “tràng giang đại hải” những lời cầu cụ thể cho cá nhân hay một nhóm nguời. Hiện tượng này thấy ở bất cứ đâu với nhận thức “cầu tất ứng”, “tốt lễ dễ kêu”. Thực tế, từ xưa đến nay, đa số người Việt chẳng mấy ai đi sâu vào chân/nguyên lý của Đạo và các thần linh liên quan, mà họ thường quan tâm sẽ được gì từ các vị thần linh đó. Họ đề cao, tôn vinh, “nịnh hót” các thần linh, nhưng thực chất vẫn chỉ để mong cầu cho những ước vọng của thế giới trần tục và của chính họ…

Tuy nhiên, đã một thời gian dài trong lịch sử, dù cho tôn giáo và tín ngưỡng đã bị nhận thức của đời thường làm méo mó đi so với bản nguyên của nó, thì trong nhiều trường hợp nó vẫn đủ sức tạo thế cân bằng cho tinh thần của con người và mặt nào tránh được sự hụt hẫng của tâm hồn.

Còn biết bao sự kiện sai trái, núp dưới danh nghĩa này hay khác đã được nhiều người ra công ra sức bênh vực, biện luận gán ghép cho nó có tính khoa học, như một đảm bảo để nó tồn tại. Nhưng suy cho cùng đó chỉ là ngụy hoặc ảo khoa học mà thôi. Lấy một ví dụ là Tử vi - nhiều người tin vào nó gần như tuyệt đối. Mỗi người có một lá số riêng, được định bởi giờ, ngày, tháng, năm sinh. Song, nếu như đời sống của con người đều đã được định sẵn, thì con người sẽ dễ bằng lòng với số phận, bỏ rơi phấn đấu, chấp nhận cái tiêu cực và nhiều sự phi lý khác… Như thế, nếu mọi sự trong đời đều có thể biết trước được thì bất hạnh biết bao. Chúng tôi đã từng hỏi một số người được đồn thổi là giỏi tử vi, rằng: Mọi sinh vật trên trái đất này, trước thiên nhiên vũ trụ đều bình đẳng, nhưng sao chỉ con người có số phận khác nhau, còn mọi con vật nuôi thì đời nối đời, bố mẹ con cái đều lần lượt “vào nồi” cả. Hay, quả bom nguyên tử thả xuống Hirosima và Nagasaki, thì già, trẻ, trai, gái, trẻ con hầu như đều chết cả, họ có cùng giờ ngày tháng năm sinh đâu? Không có một câu trả lời thỏa đáng nào, dù cho mỗi người vẫn có một lá số tử vi khác nhau. Vấn đề đặt ra là tại sao nhiều người cứ tin, thậm chí cố tình tin và cố tình bênh vực những thứ mù mờ này?

Trở lại với vấn đề sinh hoạt tâm linh chung của xã hội. Sự hụt hẫng tinh thần (một nền tảng của chủ nghĩa Tiên tri) thường chỉ xảy ra khi mối lo cơ bản về cuộc sống vật chất đã được giải quyết (ít nhất ở mặt tối thiểu), đó là lúc thích hợp cho con người “lục vấn tinh thần”. Trước chiến tranh chống các cuộc ngoại xâm, dù cuộc sống vẫn còn trong nghèo khổ, nhưng lòng tin vào tín ngưỡng dân gian truyền thống như tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ Mẫu và cả Phật giáo cùng một số tôn giáo du nhập khác… đã giúp người dân Bắc Bộ không bị hụt hẫng tinh thần, nên ít xảy ra các vụ tự tạo đau thương và phi lý cho chính mình.

Đương nhiên, chúng ta không thể để tình trạng này tràn lan, dù trên thực tế, dưới dạng này hay khác nó vẫn tồn tại (như hành động của phái Long Hoa là một ví dụ cụ thể, hay hiện tượng dựng chùa/đền vô nguyên tắc, lấy to lớn để khoe mẽ, đi ngược với tinh thần của người xưa, đưa vào ý nghĩ thấp hèn nặng về vật chất núp dưới ý nghĩa làm mới, to lớn đẹp đẽ để gây công quả). Người ta quên cả Giới, Định, Tuệ, quên cả “hảo tự ố tăng”! Các hành động đó như thách đố lại đạo lý tâm linh truyền thống để tìm “hạnh phúc vật chất” ở chính cuộc đời bụi bặm này mà rời bỏ cứu cánh ở Trí Tuệ, giải thoát và Niết Bàn… Người ta đua nhau chạy theo các kỷ lục trong không gian tâm linh, khiến một nước nhỏ như nước ta mà có nhiều tượng rất to, rồi chùa to nhất thế giới… bất chấp có đúng với bản sắc văn hóa dân tộc hoặc sai trái với ý thức tôn sùng đạo pháp của người xưa hay không, miễn là đạt được mục đích kinh doanh dựa trên nền tảng dân trí về Đạo lý còn thấp (do bị tàn phai qua cả quá trình chiến tranh, như đã nêu trên). Người ta quên mất câu: “Dù xây chín bậc/cấp phù đồ (tháp Phật)/ Không bằng làm phúc cứu cho một người” Khiến cho Tứ đại vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) như đã có phần bị nhạt phai trước sự vận hành của nạn “kinh doanh tôn giáo”.

Tại sao người Việt ngày nay đi lễ nhiều - 1

Quay trở lại với thực tế cuộc sống, đi sâu vào nhiều cuộc “Hầu đồng” trong tục thờ Mẫu, rõ ràng, đa số chỉ có các đồng tỉnh, mà đồng mê đâu còn, các con đồng không phân biệt được thế nào là hầu đồng và thế nào là hầu bóng, thường nhầm lẫn cho là các linh hồn đã nhập hẳn vào cá nhân phàm tục của mình. Họ mặc quần áo rất đẹp nhưng vẫn thiếu yếu tố tâm linh qua các thành phần tạo thành áo, không nhận ra chính áo là một biểu tượng về không gian thiêng để linh hồn con đồng dựa vào đó mà phiêu diêu vào cõi của Thánh thần. Mặt khác, nhiều khi đang thực hiện các “giá”, con đồng thường quá tỉnh táo khiến biểu hiện về việc “nhập” bị mờ đi. Họ quá chú ý tới động tác sao cho được người quan sát khen ngợi, khiến nổi lên tính chất “Thánh một cân, trần một yến”. Tuy nhiên, không thể chối cãi được có nhiều cuộc hầu đồng đã đạt được những giá trị văn hóa - văn nghệ cho cộng đồng mà điển hình như ở xứ Thanh, năm 2019, với sự tổ chức của Hội Di sản và Cổ vật Thanh Hoa, hay ở vài nơi khác đã làm “náo động” rất đông người tham dự.

Nhìn chung, trên thực tế hiện nay tạm có thể nói, việc đi sâu vào yếu nghĩa triết học của các hệ tư tưởng gắn với tôn giáo tín ngưỡng như không được mấy người quan tâm, hay đã lười biếng trí tuệ mà không quan tâm nổi. Vì thế, họ chỉ theo Đạo mà không nhập vào Đạo, lấy thờ cúng thế “đường mòn” làm chính, lấy cái tâm thô dưới góc độ cảm nhận để ứng xử, chứ không dựa trên cái Tuệ để làm bệ đỡ. Vì thế, một trong những con đường dẫn tới sự mê tín dị đoan với nhiều sự sai trái như đã trở nên một lẽ đương nhiên. Nhất là, khi nền kinh tế thị trường góp phần dẫn tới một số tính xấu, nặng yếu tố cá nhân, làm nhạt phai tâm hồn nhân ái truyền thống. Người ta đi lễ chỉ lấy cầu là chính, ngay cả những lời cầu chung cho cộng đồng cũng cạn dần. Cửa Phật cũng được nhiều người cầu về những vấn đề thuộc đời thường, những điều về Đạo, về diệt trừ dục vọng về vật chất để xây dựng pháp thân vĩnh cửu như không còn thường xuyên được đặt ra… Còn rất nhiều điều cần phải được quan tâm để hướng dẫn tín đồ đi vào chính đạo, có nghĩa là chúng ta phải giáo dục nâng cao dân trí, đi vào cả Tuệ và Tâm.

Thực tế, từ xưa đến nay, đa số người Việt chẳng mấy ai đi sâu vào chân/nguyên lý của Đạo và các thần linh liên quan, mà họ thường quan tâm sẽ được gì từ các vị thần linh đó. Họ đề cao, tôn vinh, “nịnh hót” các thần linh, nhưng thực chất vẫn chỉ để mong cầu cho những ước vọng của thế giới trần tục và của chính họ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao người Việt ngày nay đi lễ nhiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO