Tấm gương sáng ngời của một chí sĩ yêu nước

PV 16/09/2019 11:26

Sáng nay, 16/9, Lễ kỷ niệm 130 Ngày sinh chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội khoá I đã diễn ra trọng thể tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội.

Tấm gương sáng ngời của một chí sĩ yêu nước

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Tới dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ôn lại cuộc đời của một chí sĩ yêu nước, từ vị quan Thượng thư thanh liêm dưới triều Nguyễn đến khi đảm nhận cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều nhất mực vì một mục đích tối thượng là yêu nước thương dân.

Chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn sinh năm 1889 tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, từ nhỏ, cụ đã theo con đường khoa cử và sớm đỗ đạt. Nhiều năm làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ở các chức vụ, ở các địa phương khác nhau, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là vị quan đức độ, yêu nước, thương dân. Trên công đường - những nơi cụ làm quan, cụ đều treo bảng thông báo “Không nhận quà biếu”.

Tấm gương sáng ngời của một chí sĩ yêu nước - 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam dự buổi lễ.

Năm 1922, khi đang làm Tri phủ Xuân Trường, ở Nam Định, cụ đã đề xuất và thực hiện việc đắp đê Bạch Long, ngăn nước mặn, tạo ra một vùng trồng lúa, trồng dâu rộng lớn, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo sản xuất và đời sống dân sinh ở địa phương. Ghi nhớ công lao của cụ, nhân dân địa phương đã tôn thờ cụ là vị Phụ mẫu chi dân.

Năm 1925, khi đang làm Tri phủ Nghĩa Hưng ở Nam Định, cụ Bùi Bằng Đoàn được mời làm phiên dịch cho phiên tòa xử án nhà yêu nước Phan Bội Châu. Với tính cách cương trực, bênh vực lẽ phải, cụ đã thông dịch rõ ràng, trung thực những lời nói, lý lẽ đanh thép của cụ Phan Bội Châu với quan tòa khiến tòa án của Pháp không khép cụ Phan vào án chung thân mà giảm xuống mức đưa đi an trí ở Huế.

Trong 12 năm làm việc dưới triều vua Bảo Đại, cụ Bùi Bằng Đoàn đã có công lớn trong việc sửa đổi luật pháp, bãi bỏ nhiều quy định lỗi thời, biên soạn và ban hành một số luật mới, cải tiến tổ chức các tòa án, đào tạo các thẩm phán và đội ngũ nhân viên tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, chí sĩ yêu nước Bùi Bằng Đoàn là đã luôn nêu cao tinh thần vì nước vì dân xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của nhân sĩ trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tấm gương sáng ngời của một chí sĩ yêu nước - 2

Tiết mục nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Cụ Bùi Bằng Đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì nhiều lần gửi thư mời tham gia Ban Cố vấn Chủ tịch nước. Trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, với tài năng đức độ và kiến thức uyên bác, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, giao đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Chính phủ. Nói về việc đặc biệt trọng dụng cụ Bùi Bằng Đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đó là sự lựa chọn thể hiện tầm nhìn sáng suốt và nghệ thuật sử dụng nhân tài của Người trong việc huy động nhân sĩ trí thức tham gia công cuộc kiến thiết đất nước.

Khi được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội vào tháng 11/1946, Cụ Bùi Bằng Đoàn đã cùng với các thành viên Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng tham gia vào công cuộc xây dựng, củng cố bộ máy Nhà nước, xây dựng nền dân chủ mới. Đặc biệt, Cụ được Quốc hội ủy nhiệm tham dự vào các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý trong mọi công việc kháng chiến, kiến quốc; trong đó có việc cải tổ nhân sự của Chính phủ năm 1947.

Trên cương vị là một nhà lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ, Cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đem hết tài năng, trí tuệ và sức lực để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Một lòng tận tụy với công việc, tận tâm với nhân dân, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm lẽ sống, Cụ đã cùng Quốc hội và Chính phủ đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Khi bị ốm nặng, được Trung ương Đảng và Chính phủ đưa về vùng tự do Thanh Hóa chữa trị nhưng Cụ vẫn giữ mối liên hệ với chiến khu, thường xuyên qua thư từ góp ý cho Trung ương và Chính phủ về những vấn đề quan trọng của đất nước; vẫn hăng hái viết bài, đăng báo, động viên quân và dân tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tấm gương sáng ngời của một chí sĩ yêu nước - 3

Kháng chiến thắng lợi, Thủ đô được giải phóng, Cụ Bùi Bằng Đoàn được đưa về Hà Nội để tiếp tục chữa bệnh. Với nghị lực của một chí sĩ yêu nước, vượt lên những mất mát, hy sinh cá nhân, Cụ tiếp tục hoạt động, cống hiến cho đến ngày tạ thế vào tháng 4/1955.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, tấm gương yêu nước thương dân của Cụ Bùi Bằng Đoàn mãi mãi được lịch sử khắc ghi. Từ vị quan Thượng thư của triều Nguyễn đến khi đảm nhận cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ tiêu biểu cho tinh thần đặt Tổ quốc lên trên tất cả, nhiệt thành yêu nước thương dân, hết lòng phụng sự dân tộc, trên bất cứ cương vị nào cũng tận tâm hoàn thành xuất sắc công việc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để tri ân và tưởng nhớ đối với một nhà chí sĩ yêu nước, tận tụy hy sinh vì nhân dân và đất nước. Cụ Bùi Bằng Đoàn là tấm gương sáng để đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm gương sáng ngời của một chí sĩ yêu nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO