Tắm hồ ở Hà Nội vẫn lo đuối nước

Ngọc Hòa 17/07/2016 09:25

Ngoài những bể bơi trong nội thành chật ninh ních người với giá vé khiến nhiều người “phát sốt” thì Hà Nội cũng không thiếu những bãi tắm tự phát như hồ Tây, hồ Linh Đàm, sông Hồng...

Ảnh: DT.

Từ đầu hè đến nay, Hà Nội có nhiều đợt nắng gắt, có hôm nhiệt độ lên tới 39, 40 độ C. Nắng nóng người ta tìm đủ mọi cách để “giải nhiệt”. Ngoài những bể bơi trong nội thành chật ninh ních người với giá vé khiến nhiều người “phát sốt” thì Hà Nội cũng không thiếu những bãi tắm tự phát như hồ Tây, hồ Linh Đàm, sông Hồng... Bỏ qua những lời cảnh báo nguy hiểm, nhiều người đã biến nơi đây thành “bãi biển” thực thụ giữa lòng phố.

Cứ bơi, không vấn đề gì

Những ngày nắng gắt, bắt đầu từ khoảng 16h chiều cho đến 18h30 tại một số khu vực của hồ Tây (thuộc địa phận phường Quảng An, quận Tây Hồ), rất nhiều người dân cả sở tại và những người khu vực lân cận xung quanh như Nhật Tân, Thụy Khuê, Nghi Tàm, Yên Phụ…ra đây tắm. Những hôm nắng gắt chật ninh ních người. Cả người già, trung niên và trẻ em. Thậm chí nhiều người còn mang cả những chú chó cưng của mình ra bơi lội cùng.

Nhìn những chú chó to lực lưỡng vùng vẫy dưới nước nhiều đứa trẻ khóc ré lên vì sợ. Bố mẹ chúng cũng chỉ nhìn và đưa con lảng ra chỗ khác chứ chẳng dám có ý kiến gì vì đây là bãi tắm tự phát, làm gì có ai quy định cấm đưa chó xuống.

Nhiều bậc phụ huynh đưa con ra đây tắm, người cẩn thận thì trang bị thêm cho trẻ cái áo phao, người xuề xòa thì buộc vào người con mình cái can nhựa, miếng xốp hay một vật dụng gì đó có thể nổi được. Thế nhưng cũng không ít người chủ quan rằng nước ở đây nông lắm nên mặc sức cho con vùng vẫy.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) cho biết, cả tuần nay anh đều dẫn con gái ra đây tập bơi, lúc đầu con bé nhát lắm cứ khóc thét lên nhất định không xuống. Thế mà chỉ sau chừng chục buổi tập bơi, giờ cháu đã dạn nước lắm rồi, có thể tự bơi được vài mét.

“Nước ở đây nông lắm, có lội ra đến ngoài xa cũng chỉ đến ngực nên rất an toàn. Hồi nghỉ hè nhà trường cũng khuyến khích các cháu tham gia lớp học bơi do trường tổ chức, nhưng chị tính mỗi khóa học bơi đóng 2 triệu đồng, vợ chồng tôi đi làm công nhân, chật vật lo ăn học cho các con đã mệt rồi, làm gì có điều kiện. Ra đây vừa tiện, an toàn lại không mất đồng nào”- anh Hùng nói.

Anh Bình, 29 tuổi, nhà ở phường Thụy Khuê cũng hào hứng cho biết, ở đây không gian thoáng mát, rộng rãi, nước nông, lại khá sạch và quan trọng là không mất phí nên chiều nào chúng tôi cũng ra bơi. Đa phần người lớn ra đây đều biết bơi rồi, hồ cũng lặng sóng nên khá an toàn. Người nào cẩn thận thì buộc thêm cái can vào lưng, thế là chẳng phải lo nghĩ gì nữa. Tính ra bơi cả tháng cũng tiết kiệm được tiền triệu chứ chả chơi đâu.

Cũng giống hồ Tây, tại khu vực hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) những chiều hè nóng nực, rất nhiều người ra đây bơi, biến nơi đây thành một bãi tắm thiên nhiên. Khác với hồ Tây, người bơi ở đây đa phần là thanh niên. Họ thản nhiên bơi lội mặc cho trên bờ có tấm biển “Cảnh báo nguy hiểm hồ nước sâu - cấm bơi”.

Khi được hỏi, Tuấn Anh, nhà ở chung cư Linh Đàm hồn nhiên nói, “bọn em cũng biết hồ sâu nhưng đấy là cảnh báo người không biết bơi, còn biết bơi rồi thì nông hay sâu cũng có vấn đề gì đâu”.

Tìm hiểu được biết, hồ Linh Đàm thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt có diện tích khoảng 70 ngàn mét vuông. Sau khi được nạo vét, cải tạo có điểm sâu đến 5-6m. Nguy cơ đuối nước theo đó luôn tiềm ẩn xảy ra. Thực tế thì mùa hè năm 2015, nơi đây đã có 3 người bị đuối nước.

“Giải nhiệt” trong nguy hiểm

Tại khu vực hồ Tây (địa phận phường Quảng An) mặc dù cơ quan chức năng và Ban quản lý hồ đã dựng nhiều biển “Khu vực nguy hiểm - cấm tắm, bơi lội” để nhắc nhở người dân không nên xuống hồ tắm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Biển cấm được dựng ngay trên bến xuống hồ.

Thậm chí nhiều hôm nắng nóng, quá tải người đến tắm công an phường, dân phòng còn đỗ ngay ôtô tại bến để tuyên truyền nhắc nhở không cho mọi người xuống tắm. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi thì dường như tất cả những người ra đây tắm đều bỏ qua những cảnh báo này.

Thậm chí có người còn tặc lưỡi “úi dào, mấy bác ở phường cứ quan trọng hóa, tính mạng người ta người ta khắc lo. Ngày trước không có bể bơi toàn tắm ao hồ có sao đâu. Vả lại nước hồ này rất nông, có ra xa cũng chỉ gần đến ngực nên an toàn lắm”.

Đem cái sự mà mọi người nói là an toàn, chúng tôi hỏi bác Toàn và một số người dân ở phường Quảng An thì nhận được câu trả lời rằng “hồ Tây không phải nông như mọi người nghĩ đâu. Có những vị trí sâu tới gần 5 mét. Thêm vào đó là rất nhiều hố đấu xuất hiện sau khi hệ thống bờ kè hồ Tây được bê tông hóa vào thời gian trước đây. Đấy là chưa nói đến mảnh chai, sành, thủy tinh người ta vứt ra đây”. Thế nên cứ nhìn vào mặt hồ phẳng lặng và những điểm gần bờ nước nông để nói tắm ở hồ Tây an toàn là rất chủ quan.

Ngoài ra, những người dân ra đây tắm đều có chung quan điểm nước hồ khá sạch, an toàn. Quả thật, nếu nhìn vào mặt nước để mà đánh giá thì quan điểm đó là đúng. Thế nhưng theo nghiên cứu của Công ty TNHH một thành viên hồ Tây, hiện mỗi ngày đêm có khoảng 4.000 mét khối nước thải công nghiệp và sinh hoạt xả xuống hồ.

Trong số lượng nước thải này, hàm lượng amoniac trong nước chiếm tới 1,5mg/lít, gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng- Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã từng cảnh báo môi trường của hồ Tây trong gần nửa thế kỷ qua thực sự đã bị suy giảm do môi trường nước đã bị ô nhiễm nặng gây ra.

Cùng ý kiến này, bà Lê Thu Hà- ĐHQG Hà Nội cho biết, hồ Tây đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mức pH của nước hồ quá cao so với mức pH cho phép. Nguyên nhân chủ yếu, do tích tụ nước thải, rác thải xả thẳng xuống hồ không qua xử lý, lâu ngày làm tăng dư lượng hữu cơ độc hại. Đây cũng là lý do, nhiều loại cá, tôm, ốc tại hồ Tây ngày càng trở nên hiếm hoi.

Mùa hè và nắng nóng còn dài, những bài học về đuối nước xảy ra gần đây cũng không ít. Thế nên người dân cần phải hết sức thận trọng khi “giải nhiệt” tại những bãi tắm tự phát này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tắm hồ ở Hà Nội vẫn lo đuối nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO