Tam Kỳ (Quảng Nam): Thành phố phong cảnh châu Á

Ảnh: Đinh Tất Cảnh 28/10/2015 13:04

Ngày 28-10, trao đổi với Đại Đoàn Kết qua điện thoại từ Fukuoka - Nhật Bản, ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết, tại thành phố (TP) nói trên, tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trước đó một ngày đã trao tặng TP Tam Kỳ giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015”.

Toàn cảnh quy hoạch Tp Tam Kỳ, Quảng Nam hướng về vùng đông

Phát biểu tại buổi nhận giải, ông Nguyễn Văn Lúa, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ phấn khởi: “Thay mặt lãnh đạo TP Tam Kỳ, tôi xin chân thành cảm ơn Ban Tổ chức đã đánh giá và bình chọn Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015 cho TP Tam Kỳ của chúng tôi”. Ông Lúa cũng không quên bày tỏ lòng biết ơn với sự giúp đỡ của Văn phòng UN Habitat tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Đô thị Châu Á của thành phố Fukuoka, đã tổ chức các chương trình hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các địa phương trong khu vực, trong đó có Tam Kỳ, triển khai các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển TP sinh thái.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Tam Kỳ là tỉnh lỵ Quảng Nam có diện tích 92,8 km2, với dân số 135.000 người. Là địa phương có 13 đơn vị hành chính, với mức thu nhập bình quân đầu người là 2.600 USD. Là vùng đất chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Nhưng ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân thành ủy Tam Kỳ đã không ngừng vượt qua những khó khăn, thách thức để gặt hái được những thành công và đưa TP này trở thành “Phong cảnh TP Châu Á”.

Một góc TP Tam Kỳ hiện nay.

Còn theo lãnh đạo TP Tam Kỳ, ý tưởng dự thi “Phong cảnh TP Châu Á” được xuất phát từ lịch sử thành phố với đặc điểm nổi bật của một địa danh năm núi, năm sông, gắn liền với thiên nhiên và con người. Quả thật, đây là vùng đất gặp gỡ của những con sông. Nơi hợp lưu của sông Bàn Thạch và hai nhánh sông Tam Kỳ xưa nay gọi là sông Tam Kỳ và sông Trường Giang. Tương truyền, trong hành trình mở cõi về phương nam, từ những năm 1.600 những đợt di dân từ Thanh- Nghệ - Tĩnh vào vùng đất này khai khẩn, mưu sinh tìm đất sống và cuộc sống nơi đây dù trãi qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn không ngừng phát triển.

Từ vùng đất Hà Đông tên gọi xưa của Tam Kỳ nay, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, những con sông nặng nghĩa, nặng tình đem lại thủy hải sản, sự phì nhiêu cho vùng đất, đã chứng kiến những thăng trầm, thay đổi của vùng đất này. Dọc theo những con sông là xóm làng hiền hòa, những lũy tre làng, hàng sưa soi bóng, những cánh đồng lúa phì nhiều trải rông,… cho đến ngày nay có thêm những khu phố mới mọc lên, nhưng con đường trải rộng, xanh, sạch, đẹp. Người dân nơi đây luôn sống một cuộc sống hiền hòa, yêu người, mến khách, đoàn kết để xây dựng quê hương.

Những đường phố Tam Kỳ hiện nay.

Một bước ngoặt để Tam Kỳ phát triển, đó là sự chia tách tỉnh vào năm 1997, Tam Kỳ trở thành trung tâm trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh Quảng Nam. Chính nhờ những bước đi chiến lược mà Tam Kỳ liên tục gặt hái được những kết quả tốt. Đó là việc phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên vốn có, TP Tam Kỳ đã và đang tập trung phát triển TP trở thành đô thị thủ phủ xanh, cộng sinh với thiên nhiên và phát triển bền vững. Một đô thị hiện đại, đặc thù, có bản sắc riêng về văn hóa, kiến trúc và cảnh quan. Mục tiêu quy hoạch đó được thể hiện rõ trong Đồ án quy hoạch chung của TP Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể Tam Kỳ đã xác định phát triển theo hướng “Tăng trưởng xanh”. Trong đó, xác định cơ cấu kinh tế của TP Tam Kỳ theo hướng du lịch, dịch vụ, thương mại - công nghiệp sạch, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường - nông nghiệp đô thị; nâng cao sự nhộn nhịp, sức hấp dẫn và hiệu quả của trung tâm đô thị. Xây dựng lối sống xanh cho người dân đô thị. Cùng với đó là phát triển chiến lược bền vững Nông- Lâm- Thủy sản; xây dựng đô thị cộng sinh với môi trường tự nhiên. Phát triển du lịch tự nhiên, du lịch đô thị…

Sông Bàn Thạch, đồi An Hà - Tam Kỳ.

TP Tam Kỳ cũng nhận định với những cơ hội như: Xu thế phát triển của thế giới; Chính phủ và chính quyền địa phương đã và đang quan tâm và ủng hộ. Sự liên kết hợp tác, hỗ trợ của các bên cùng những tiềm năng, lợi thế của TP, chú trọng khối đại đoàn kết toàn dân và tâm huyết xây dựng cuộc sống, xây dựng TP,… Thế nhưng Tam Kỳ cũng nhận định đối diện với những thách thức để có kế hoạch cụ thể vượt qua. Đó là, kết cấu hạ tầng của thành phố thiếu. Nguồn lực đầu tư hạn chế. Năng suất lao động, sản xuất thấp, chưa hiệu quả. Khủng hoảng kinh tế, xã hội thế giới. Biến đổi khí hậu ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp,...

Để phát triển TP theo hướng “Tăng trưởng xanh” đạt hiệu quả cao. Tam Kỳ cũng đã đặt ra các giải pháp cụ thể. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường mối quan hệ hợp tác; tăng cường năng lực thể chế, cải cách nền hành chính; chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huy động nguồn lực tài chính; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ...

Làng quê Tam Kỳ.

Thời gian qua, UBND TP Tam Kỳ đã và đang tăng cường phối hợp với Văn phòng UN Habitat tại Việt Nam tổ chức các chương trình hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các địa phương trong khu vực, triển khai các hoạt động hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, xây dựng và phát triển TP sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Lúa, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ khẳng định: “Sau khi nhận được giải thưởng này, trên nền tảng sinh thái vốn có, cùng với sự nỗ lực của TP Tam Kỳ và sự hỗ trợ của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, của các đối tác chiến lược, của các tổ chức quốc tế, chúng tôi quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đồ án quy hoạch chung của TP. Và hơn nữa, chúng tôi mong muốn và hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức, các đô thị trên thế giới nói chung và của khu vực Châu Á - Thái bình dương nói riêng để sớm đạt được mục tiêu phát triển TP Tam Kỳ thành một đô thị thông minh trong tương lai, một Tam Kỳ xanh, sinh thái và nhân văn”.

Ruộng đồng, sông nước Tam Kỳ.

Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” là giải thưởng quốc tế được thành lập do sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc vùng châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka, với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân Châu Á. Giải thưởng nhằm mục đích đề cao và tôn vinh những nỗ lực to lớn của các thành phố Châu Á đối với sự phát triển và sáng tạo của một thành phố đẹp, hiền hòa, an toàn và bền vững trong khi vẫn đề cao giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

TẤN THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tam Kỳ (Quảng Nam): Thành phố phong cảnh châu Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO