Tấm lòng Mặt trận trong đại dịch

Dạ Yến 06/08/2021 08:38

Hơn hai tháng qua, người Mặt trận đã bước vào đợt cao điểm tuyên truyền, vận động ủng hộ, tiếp nhận và phân bổ hỗ trợ, nhất là khi đồng bào cả nước cùng hướng về tâm dịch miền Nam. Trong diễn biến mới đầy cam go thử thách ấy đã cho thấy tấm lòng Mặt trận ở những nơi gian khó, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hơn một năm qua, Mặt trận đã vào cuộc ngay từ những ngày Việt Nam có ca lây nhiễm đầu tiên. Từ ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận đã “kích hoạt” việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong toàn hệ thống.

Nếu như giai đoạn đầu, Mặt trận và các tổ chức thành viên tập trung làm công tác tuyên truyền thì những ngày tiếp theo bắt đầu thực hiện các giải pháp vừa tuyên truyền nhưng cũng vừa là người thực hiện thông qua việc phân bổ ủng hộ, giám sát ủng hộ và tham gia chốt chặn nguồn lây từ địa bàn dân cư thông qua những Tổ Covid cộng đồng.

Cho nên, ở vào những giai đoạn tiếp theo của “cuộc chiến”, Mặt trận lại có thêm quyết sách mới, nhiệm vụ mới để đảm bảo sự thích ứng kịp thời với những biến động của từng giai đoạn. Sự thích ứng được thể hiện một cách sâu sắc và toàn diện hơn bằng nhiều phương pháp thực hiện.

Lập đường dây nóng để xử lý thông tin khẩn cấp phòng, chống dịch

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị, Mặt trận các cấp cần phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ thiết lập “đường dây nóng” đặt tại cơ quan Ủy ban MTTQ các cấp để tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp về phòng, chống dịch, y tế, an ninh trật tự, đời sống nhân dân, từ đó chủ động giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, nhất là đối tượng yếu thế, người gặp khó khăn do dịch bệnh.

Trong đợt dịch thứ tư này, ngày 27/5/2021, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lại tiếp tục kêu gọi toàn dân tham gia đợt cao điểm quyên góp, ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.

Lời kêu gọi được ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam truyền đi thông điệp hiệu triệu đoàn kết muôn lòng như một, toàn thể đồng bào, cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận siết chặt tay nhau để vượt qua gian khó.

Ở vào thời điểm nào cũng vậy, Lời kêu gọi của Mặt trận như một ngọn lửa thắp lên tinh thần đoàn kết, mở đầu cho hàng loạt phong trào chung tay ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên toàn quốc. Nhất là khi TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam trở thành tâm dịch của cả nước, khắp mọi miền đã dấy lên phong trào ủng hộ mạnh mẽ “Hướng về miền Nam” từ lời kêu gọi của Mặt trận. Từ miền Bắc cho đến miền Trung, từ miền ngược cho đến miền xuôi, người với người không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo đã đáp lời thiết tha.

Mặt trận Bắc Giang- nơi từng là tâm dịch trước đó chưa lâu đã phát đi lời kêu gọi vì miền Nam với tinh thần “Cả nước vì Bắc Giang- Bắc Giang vì cả nước”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Quảng Nam, người dân Trà Leng cùng nhau quyên góp nông sản ủng hộ bà con TP HCM gặp khó khăn do dịch Covid-19. Điều đáng nói, người dân nghèo Trà Leng cũng chỉ mới vừa gượng dậy sau nỗi đau thương trong vụ sạt lở núi kinh hoàng hồi cuối tháng 10 năm 2020.

Rất nhiều năm liên tiếp thiên tai lũ lụt đổ ập vào miền Trung khốn khó, gần như người Sài Gòn- TP HCM chưa bỏ dịp cứu trợ nào. Người Sài Gòn chưa bao giờ tính toán hay kể công với miền Trung, nhưng trong sâu thẳm người miền Trung luôn cảm thấy “nợ người Sài Gòn một món nợ thiêng liêng: Đó là nợ tình nhân ái, nợ nghĩa đồng bào”.

Cho nên, trong Lời kêu gọi của Mặt trận Hà Tĩnh- nơi từng là tâm lụt mỗi khi mùa mưa bão đổ về- đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống “nhường cơm sẻ áo” của người Hà Tĩnh từ xưa đến nay như câu hát “Có nơi mô như miền quê ta. Thương nhau quả cà vẫn chia ra làm ba…”.

Cũng chính vì thế, khi Mặt trận Nghệ An kêu gọi người dân hưởng ứng tuần lễ “Vì Thành phố mang tên Bác” đã thực sự chạm đến trái tim của mỗi người, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, lan tỏa mạnh mẽ đến khắp các vùng quê xứ Nghệ, bất chấp những khó khăn mà đại dịch đang gây ra.

Những món quà chắt chiu tình nghĩa từ quả bí trong vườn nhà, nắm rau ngoài ruộng, cho đến những con cá, cân lạc cuối cùng. Ngày nắng nóng hay đêm thâu người người bên nhau để chế biến lạc, vừng, cá khô, tép khô, măng chua, cà muối.... truyền hơi ấm tình người gửi vào miền Nam thân yêu. Cứ thế, mỗi người một tấm lòng, thông qua Mặt trận, gửi đến miền Nam sự sẻ chia và niềm hy vọng chiến thắng dịch bệnh.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, nghĩa cử mà người dân miền Trung trong đó có người dân Nghệ An đang gom góp gửi vào miền Nam chống dịch thật khó đo đếm. Bởi đó là con số của sức mạnh lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo thống kê sơ bộ, tính từ ngày 27/4 đến hết ngày 4/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã tiếp nhận gần 300 nghìn tấn hàng hóa, nông sản, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cùng các thiết bị hỗ trợ phòng Covid-19 từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với tổng số liền lên tới gần 174 tỷ đồng.

Tiếp nhận tấm lòng của nhân dân cả nước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu xúc động chia sẻ, trong gian khó, càng thấy sức mạnh của sự tử tế, tình đoàn kết, thân ái, nghĩa đồng bào bền chặt. Hiện nay, nhiều địa phương dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho thành phố. Trong cuộc chiến này, TP HCM và miền Nam không đơn độc, bởi những chuyến xe nghĩa tình vẫn ngày ngày nối đuôi nhau chở theo bao yêu thương của đồng bào cả nước hướng về miền Nam.

Để chia sẻ với đồng bào miền Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng vừa có chuyến công tác cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và động viên nhân dân TP HCM và tỉnh Bình Dương.

Chuyến đi vào tâm dịch của người đứng đầu Nhà nước và người đứng đầu Mặt trận đã mang theo thông điệp: “Nhà nước, chính quyền và Mặt trận luôn luôn ở bên người dân để chăm sóc, hỗ trợ, không để bà con quá khó khăn, nhất là tại các khu cách ly”.

Sự chia sẻ, động viên kịp thời của Mặt trận đã cho thấy tinh thần Mặt trận, tấm lòng Mặt trận luôn xuất hiện ở những nơi gian khó, để không ai bị bỏ lại phía sau, để đoàn kết lòng người, chung tay cùng Chính phủ, ngành Y tế chống dịch, quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng như mong mỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “phải chiến thắng bằng được đại dịch Covid-19”.

Theo số liệu thống kê, tính từ ngày 1/5/2021 đến ngày 30/7/2021, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương là hơn 6.854 tỷ đồng. Trong đó, số tiền ủng hộ qua UBTƯ MTTQ Việt Nam là hơn 783 tỷ đồng, qua Ủy ban MTTQ 63 tỉnh, thành phố hơn 6.071 tỷ đồng.

Từ số tiền tiếp nhận được, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã kịp thời phân bổ tới Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 số tiền 1.036 tỷ đồng. Đồng thời phân bổ hỗ trợ mua máy thở, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch và những người gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Trong đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam phân bổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tới tỉnh Nghệ An 7 tỷ đồng; Hậu Giang 7 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 5 tỷ đồng; Bắc Giang 16,050 tỷ đồng; Bắc Ninh 11 tỷ đồng; Hải Dương 500 triệu đồng; Đắk Lắk 1 tỷ đồng; Đắk Nông 1 tỷ đồng; Thái Bình 300 triệu đồng; Điện Biên 5 tỷ đồng; TP.Hồ Chí Minh 23 tỷ đồng; Bình Dương 6 tỷ đồng.

Ngày 2/8 vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã phân bổ 1,7 triệu suất ăn trị giá bằng tiền là 51 tỷ đồng tiếp sức cho 17 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Những suất ăn này sẽ được các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội mà không thuộc diện hưởng chính sách đã có.

Ngày 4/8, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã phân bổ 8,547 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 3.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế của 22 bệnh viện Trung ương tăng cường các tỉnh phía Nam...

Cùng với số tiền này, đến nay, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phân bổ hỗ trợ tới các bệnh viện, cơ sở y tế với tổng số tiền lên tới trên 31,814 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấm lòng Mặt trận trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO