Tâm nguyện của hậu duệ nhà văn Hồ Biểu Chánh

Nguyễn Thịnh 18/09/2015 08:50

Ông Trần Quốc Oai cho biết, khoảng năm 2013, bà ngoại ông là bà Vân Anh có làm đơn gửi cho chính quyền phường và quận Gò Vấp xin phép và xin hỗ trợ để nâng cấp nhà lưu niệm nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhưng cho đến khi bà Vân Anh mất tới nay, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng trả lời.

Ông Trần Quốc Oai bên di ảnh cố nhà văn Hồ Biểu Chánh. Ảnh: Nguyễn Thịnh.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh nổi tiếng trên văn đàn bởi có nhiều tác phẩm tiểu thuyết về vùng đất Nam Bộ thời Pháp thuộc với giọng văn mang phong cách riêng, đậm chất miền sông nước phương Nam. Nhiều tác phẩm của ông đến nay vẫn còn giá trị và được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên, điều khiến con cháu ông và nhiều người yêu quý, hâm mộ văn chương Hồ Biểu Chánh, thấy tiếc nuối là đến nay vẫn chưa có nhà lưu niệm xứng tầm với di sản văn học mà cụ để lại.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung sinh ngày 1/10/1885, mất năm 1958. Quê ông ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm lên 8 tuổi ông theo học chữ Nho trường làng, 12 tuổi theo học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường tổng Vĩnh Lợi, sau theo học trường tỉnh Gò Công (nay là huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang).

Ở đây, ông được cấp học bổng để theo học tại trường Chasseloup - Laubat (Sài Gòn). Cuối năm 1905, ông thi đậu bằng Thành Chung. Sau khi học hành đỗ đạt và làm quan, ông bắt đầu viết văn với nhiều tiểu thuyết có giá trị, từng được đưa vào dạy trong trường học, như: “Con nhà nghèo”, “Cay đắng mùi đời” cùng nhiều tác phẩm và thể loại khác.

Chúng tôi tìm đến nhà lưu niệm của nhà văn Hồ Biểu Chánh ở quận Gò Vấp, TP HCM. Theo ông Trần Quốc Oai (chắt ngoại của cụ Hồ Biểu Chánh, mẹ ông Oai là bà Lê Thị Mỹ Dung là con gái của bà Hồ Văn Vân Anh, con gái thứ 5 của nhà văn Hồ Biểu Chánh) thì nhà lưu niệm này được xây từ năm 2003 từ sự gợi ý nhiều lần trước đó của nhà văn Sơn Nam. Sau đó, con cháu trong gia đình bàn nhau và góp tiền làm nên.

Gọi là nhà lưu niệm nhưng nó khá khiêm tốn và ít ỏi về tư liệu, hình ảnh của nhà văn quá cố. Nơi đây có phần mộ của nhà văn Hồ Biểu Chánh và vợ cùng các con cháu. Trong ngôi nhà nhỏ, diện tích chừng 4mx6m, vừa là nơi thờ tự cụ Hồ Biểu Chánh và vợ con, vừa là nơi lưu giữ một số di vật của cụ như hình ảnh của nhà văn, tác phẩm, trích lá thư của cụ Hồ Biểu Chánh gửi cho con…

Trong nhà lưu niệm có bức ảnh khá đặc biệt, đó là bức ảnh vẽ truyền thần chân dung nhà văn Hồ Biểu Chánh do một họa sĩ ở Bình Dương vẽ tặng. Hai bên bức ảnh treo hai câu thơ viết theo kiểu thư pháp. Theo lời ông Oai, đây là hai câu do thi sĩ Đông Hồ viết gửi cho nhà văn Hồ Biểu Chánh lúc sinh thời.

Nội dung hai câu này là: “Treo tranh chìm nổi nhắc chuyện xa gần/ Một mảnh thanh cần ngàn thu an lạc”. Cũng theo ông Oai, nhà văn Hồ Biểu Chánh có 64 tiểu thuyết được in, nhưng nay chỉ còn tìm thấy và tái bản được 47 tiểu thuyết.

Nhìn nhà lưu niệm khá sơ sài chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Ông Trần Quốc Oai cho biết, khoảng năm 2013, bà ngoại ông là bà Vân Anh có làm đơn gửi cho chính quyền phường và quận Gò Vấp xin phép và xin hỗ trợ để nâng cấp nhà lưu niệm này, nhưng cho đến khi bà Vân Anh mất tới nay, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng trả lời.

“Chúng tôi cũng muốn làm nhà lưu niệm cho ông cố bề thế hơn, chỉn chu hơn nhưng việc xây dựng phải được sự đồng ý của chính quyền. Hơn nữa còn vấn đề kinh phí, tiền bạc chúng tôi cũng có thể tự lo được phần nào, nhưng nếu chính quyền chưa cho phép thì không thể làm”, ông Oai nói.

Ông Oai cho biết thêm, nếu chính quyền đồng ý, sẽ cải tạo lại khu lưu niệm này. Trong đó có việc dời và chuyển nhà lưu niệm xoay theo hướng Nam (nhà lưu niệm hiện tại xoay mặt hướng Tây). Dời cổng và mở lối đi ra hướng Nam, trồng cây kiểng, bổ sung hiện vật, tài liệu…

“Hiện tại chúng tôi còn giữ một số tài liệu quý của ông cố như bản viết tay các thư, thơ đối đáp giữa ông cố với bạn văn… nhưng không dám đưa ra trưng bày vì điều kiện môi trường lưu trữ không tốt sợ bị hư hại. Nếu có nhà lưu niệm chuyên nghiệp hơn thì chúng tôi sẽ trưng bày”, ông Oai thổ lộ.

Ông Oai cũng cho biết thêm là mới đây, lãnh đạo xã Bình Thành huyện Gò Công đã tính lấy tên nhà văn Hồ Biểu Chánh đặt tên cho một ngôi trường mới xây ở trong thị xã nhưng còn chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm nguyện của hậu duệ nhà văn Hồ Biểu Chánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO