Tấn công tàu chở dầu: Thổi bùng căng thẳng Mỹ-Iran

Linh Chi 16/06/2019 08:00

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran thời gian gần đây được đánh dấu bằng nhiều sự kiện đáng chú ý xảy ra trên Vịnh Oman, vùng biển kết nối biển Arab với eo biển Hormuz - tuyến hàng hải vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới - và có rủi ro xảy ra xung đột trong khu vực.

Tấn công tàu chở dầu: Thổi bùng căng thẳng Mỹ-Iran

Liên tiếp các vụ tấn công tàu chở dầu ở khu vực Vịnh Oman làm tăng nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran Nguồn: AFP.

Hai vụ tấn công xảy ra trong 1 tháng

2 tàu chở dầu, một là tàu Kokuka Courageous mang cờ Panama – trên đường đi từ Arab Saudi tới Singapore – và hai là tàu Front Altair mang cờ của quần đảo Marshall – vừa tiếp nhận hàng hóa từ UAE và đang chở methanol từ Qatar tới Đài Loan - đã trở thành “nạn nhân” mới nhất trên Vịnh Oman trong hôm thứ Tư vừa qua, khi chúng hứng chịu những đòn tấn công chưa xác định bên nào làm.

Nhiều báo cáo có nội dung mâu thuẫn về nguyên nhân vụ tấn công, mức độ tổn thất và kẻ đứng đằng sau các vụ tấn công này xuất hiện đồng loạt. Câu trả lời chính thức vẫn chưa có.

Hãng thông tấn nhà nước của Iran (IRNA) dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay hải quân nước này đã cứu được tất cả 44 thủy thu trên 2 con tàu và rằng những người này đã được chuyển tới cảng Jask ở tỉnh Hormuzgan, miền Nam Iran. Cùng thời điểm, hải quân Mỹ nói rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Bainbridge lớp Arleigh Burke của họ “đã hỗ trợ” cả hai con tàu này.

Thêm phần phức tạp hơn, Bộ Thương mại Nhật Bản lại báo cáo rằng 2 con tàu vận tải nọ đang chở các thùng hàng “có liên quan tới Nhật” và vụ tấn công xảy ra ngay trong lúc mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có chuyến thăm lịch sử tới Iran, gặp gỡ lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei nhằm nỗ lực thúc đẩy “hòa bình và sự ổn định trong khu vực”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter rằng “đáng ngờ là chưa đủ để mô tả” sự việc này, trong khi Ngoại trưởng Mỹ thì công khai cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ tấn công.

Trong các vòng đàm phán trước đó giữa Thủ tướng Nhật Abe và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, lãnh đạo Nhật – trong chuyến thăm chính thức của một lãnh đạo đầu tiên tới Tehran kể từ sau cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đến nay – đã cảnh báo về khả năng “xung đột không mong muốn” bùng phát do căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Mối quan ngại này ngày càng gia tăng trên toàn cầu, khi mà Vịnh Ba Tư một lần nữa trở thành điểm nóng giữa hai địch thủ lâu năm.

Cáo buộc lẫn nhau

Hai vụ tấn công gần đây sẽ chỉ khiến cho tình trạng bất ổn trong khu vực Trung Đông càng gia tăng. Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã liệt eo biển Hormuz vào danh sách điểm nóng “nghiêm trọng” giữa Mỹ và Iran. Trong hôm thứ Năm trong tuần, ICG nói rằng vụ việc mới đây trên Vịnh Oman “cho thấy mức độ căng thẳng trong khu vực và rủi ro xảy ra xung đột – dù là có chủ đích hay không chủ đích”.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Năm vừa qua tiếp nối “nhiều hành động phá hoại” khác xảy ra cũng trên Vịnh Oman hồi tháng trước. Chỉ ngay sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố việc triển khai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và máy bay ném bom tới Trung Đông để đối phó với những mối đe dọa từ Iran, cho rằng Iran sẽ nhằm vào các lợi ích của Mỹ…4 tàu chở dầu – 1 mang cờ Arab Saudi, 1 mang cờ Na Uy và 2 mang cờ UAE – hứng các đòn tấn công. Mỹ cũng cáo buộc Iran đứng đằng sau vụ việc này.

Iran đã bác bỏ mọi sự liên quan tới các vụ tấn công kiểu này. Tuy nhiên , trước đó họ từng đe dọa sẽ ngăn chặn tuyến hàng hải quan trọng ở eo biển Hormuz, cách Vịnh Oman chỉ 100 hải lý, để đáp trả chiến dịch gây “sức ép cực đại” nhằm vào kinh tế dầu mỏ của Iran.

Mỹ đã áp đặt các đòn trừng phạt cực kỳ hà khắc nhằm vào nền kinh tế Iran, sau khi đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái.

Dù cho Iran luôn khẳng định rằng họ không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng khẳng định Tehran tuân thủ các cam kết của thỏa thuận này, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho rằng thỏa thuận không đủ để kiềm chế tham vọng, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Các bên cùng ký kết thỏa thuận này gồm Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ thỏa thuận, trong khi các bên ký kết ở châu Âu lại chưa bình thường hóa quan hệ thương mại với Iran do sức ép từ Mỹ. Điều này khiến cho Iran mất đi động lực tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.

Mới đây, IAEA xác nhận rằng Iran thực sự đã nối lại hoạt động làm giàu uranium, nhưng các sản phẩm làm giàu ở mức thấp này không phù hợp để chế tạo vũ khí nguyên tử. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng chưa đưa ra được bằng chứng cho thấy Tehran đứng đằng sau các vụ tấn công mới đây, hay các hoạt động quân sự trong khu vực mà phía Mỹ cáo buộc.

Căng thẳng tột độ

Các hành động bạo lực chắc chắn sẽ càng khiến tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran. Ông Nicholas Miller – chuyên gia phân tích thuộc ĐH Dartmouth – nói rằng: “Nếu Iran thực sự đứng đằng sau vụ tấn công này, sẽ có thểm bằng chứng cho thấy các lãnh đạo nước này đang chống lại chiến dịch “sức ép cực đại” của chính quyền Trump thay vì cứ ngồi chịu đựng. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, Iran đã đánh tín hiệu sẽ ngừng tuân thủ một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân và bác bỏ các đề xuất nối lại đàm phán của Mỹ”.

Vị chuyên gia nói “cách tốt nhất để tránh gia tăng căng thẳng là Iran phải ngừng đưa ra các hành động khiêu khích và chính quyền Trump phải gỡ bỏ bớt sức ép đối với nền kinh tế Iran”, thêm rằng “nhưng không may thay, điều này khó có thể xảy ra trong bối cảnh hiện tại”.

Bà Ariane Tabatabai – chuyên gia phân tích khoa học chính trị tại Tổ chức Rand, chuyên viên phân tích thuộc trường ĐH Columbia – nhận định rằng: “Iran đang cố gắng phô diễn sức mạnh của họ để phản ứng với chiến dịch gây sức ép của Mỹ. Nếu Iran thực sự đứng đằng sau các vụ tấn công vừa qua, như chính quyền Mỹ cáo buộc, chúng ta sẽ phải chứng kiến một tình trạng căng thẳng tới mức nguy hiểm giữa Mỹ và Iran”.

Cùng lúc, bà Tabatabai nhấn mạnh rằng lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) – bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố - không hoạt động ngoài hệ thống chính trị của Iran, mà là một phần trong tiến trình đưa ra quyết định ở Tehran. Bà nói rằng: “Dù có nhiều lúc họ phô diễn sức mạnh vì lý do chính trị trong nước, nhưng sẽ không đưa ra kiểu hành động như vậy (vụ tấn công) chỉ để làm xấu hổ Tổng thống Rouhani”.

Sau khi Đại sứ quán Nga ở Tehran xác nhận rằng 11 thủy thủ của họ đã được cứu hộ và chuyển tới cảng Jask của Iran, chính quyền Moscow cảnh báo rằng không nên đưa ra kết luận chóng vánh về vụ tấn công mới nhất, bởi nó có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm thứ Năm trong tuần nói rằng ông “mong muốn tận dụng cơ hội này để cảnh báo về những âm mưu đằng sau nhằm cáo buộc cho những bên bị một số các nước khác thù ghét” – theo hãng thông tấn RT.

Ông Benjamin H. Friedman – Giám đốc tổ chức phân tích quốc phòng Defense Priorities – nhận định rằng: “Iran sẽ không giải quyết vấn đề bằng ngoại giao, khi mà Mỹ vẫn duy trì chính sách gây sức ép về mặt kinh tế để buộc nước này thay đổi chế độ”.

“Con đường hiện tại chỉ có thể dẫn tới một kết quả duy nhất là, một vòng luẩn quẩn căng thẳng đẩy cả hai bên vào chiến tranh, điều mà ông Trump nói là ông không muốn xảy ra” – ông Friedman nói – “Để tránh một cuộc chiến, cùng lúc giảm hành vi không mong muốn từ Iran, Mỹ nên sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tấn công tàu chở dầu: Thổi bùng căng thẳng Mỹ-Iran

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO