Tận hiếu với dân

Thái Duy 19/09/2016 06:18

Tại hội nghị toàn quốc về công tác dân vận họp cuối tháng 5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tập trung vào củng cố và xây dựng Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Đoạn ngắn dưới đây thu hút sự quan tâm của nhiều người”.

Xin trích: “Lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng. Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định, vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn, trái lại vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại”

Tận hiếu với dân

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhà Trần (1225-1400) đánh thắng giặc Nguyên Mông, đất nước hùng mạnh, nhân dân no ấm hơn 70 năm. Nhưng từ năm 1358 kẻ gian thần trong triều ngày một đông, bóc lột công sức của dân để xây cung điện, đào hố đắp núi làm nơi vui chơi hưởng lạc.

Vì thế, giặc Minh đã dễ dàng tiến vào thành Thăng Long. Một lần nữa, nhân dân ta lại mất nước, lại là nô lệ cho giặc phương Bắc. Cực khổ đến tận cùng về mọi mặt, nỗi nhục không còn chịu nổi phải vùng dậy để tự cứu. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, đứng đầu là Lê Lợi, cố vấn, tham mưu thân cận là Nguyễn Trãi. Kháng chiến vô cùng gian khổ, mười năm mới thắng lợi hoàn toàn (1418-1427).

Kết hợp dân tộc với dân chủ đã sớm trở thành một truyền thống của dân tộc ta để đánh thắng giặc ngoại xâm từ các thời đại trước. Nhưng tới Nguyễn Trãi, với kinh nghiệm chiến đấu phong phú của thời đại, với tính năng động chủ quan có ý thức dân chủ mạnh mẽ của bản thân mình, Nguyễn Trãi đã đưa sự kết hợp đó lên một trình độ cao hơn và thể hiện rất rực rỡ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh xâm lược. Ông đã biết dựa vào dân, động viên nhân dân, phát động chiến tranh nhân dân để đánh giặc Minh bằng mọi cách: quân sự, chính trị, ngoại giao, địch vận…

Đại thắng giặc Minh giành lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc là một thành công vĩ đại của dân tộc, một niềm vui lớn của Nguyễn Trãi. Nhưng sở nguyện bình sinh của ông không phải chỉ có thế. Lý tưởng của ông là cứu dân, phải làm cho dân khỏi lầm than khổ cực. Cứu nước mới là cứu dân thoát khỏi họa đàn áp bóc lột của bọn thống trị nước ngoài. Muốn cho dân thật sự hết lầm than khổ cực, còn phải cứu dân thoát khỏi ách đàn áp bóc lột của bọn tham quan trong nước. Như thế mới thật sự cứu dân, thật sự yêu dân, thật sự vì dân.

Ngay sau khi đất nước giải phóng, Nguyễn Trãi rất muốn cùng các bạn chiến đấu của mình bắt tay vào công cuộc xây dựng một xã hội Nghiêu Thuấn, đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sau khi toàn dân đã hy sinh tất cả trong suốt mười năm kháng chiến.

Nhân danh Lê Lợi lúc này đã là Vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi thảo những chiếu thư kêu gọi các đại thần, tổng quản, các quan chức.... sống hết lòng vì dân, vì nước, tránh mọi tham lam, lười biếng, tránh xa hoa lãng phí chỉ làm hư hỏng triều đình, nhân dân mãi mãi nghèo đói, thời Hậu Trần nào đã bao xa.

Xin trích một đoạn trong Chiếu thư tháng 7 năm Canh Tuất (1430): “Trên thì không biết thể theo lòng vua, dưới thì không biết thi hành nhân chính, trong thì che ác với vua, ngoài thì kết lập bè đảng, không hề có lòng vì nước, chỉ biết vụ ích riêng mình, để đến nỗi nước mất nhà tan, vua tôi cùng nhục. Há chẳng đáng lấy làm gương sao? Ta đêm ngày lo nghĩ không hề chốc lát lãng quên, chỉ sợ xe trước đã đổ, mà xe sau cũng lại đi theo lối ấy”- (trích trong Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi, Tr.83, NXB Sử học).

Lời răn của Nguyễn Trãi, nhân danh Lê Lợi “xe trước đã đổ” (thời Hậu Trần), “xe sau” là nhà nước độc lập và thống nhất không còn giặc Minh. Lời răn ấy hoàn toàn không ngờ lại là sự thật trăm phần trăm. Rất không may, các vị trí chủ chốt trong bộ máy cầm quyền của Vua Lê Thái Tổ lại vào tay nhóm cầm quyền kém tài, kém đức.

Những hoài bão và việc làm có tính dân chủ của Nguyễn Trãi không được những người cầm quyền đồng tình và ủng hộ. Mọi quyền đã nắm chắc trong tay, bọn này gây sức ép với Lê Lợi, không còn trọng dụng Nguyễn Trãi. Các chiếu thư, các lời răn của Nguyễn Trãi đều đụng chạm đến mưu đồ nham hiểm của chúng, chỉ lo làm giàu cho cá nhân.

Nguyễn Trãi lúc nào cũng lên án gay gắt, quyết liệt tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Những người từng đồng cam cộng khổ với dân trong suốt cuộc kháng chiến và sau khi không còn giặc Minh, khi đã trở thành những “công thần” có quyền có thế, vua nghe, dân sợ, quan lại đồng liêu e nể- thì lại tìm mọi cách hãm hại rất tàn nhẫn những người có ý thức dân chủ, vì nước. Nguyễn Trãi cũng bị bắt trong dịp này. Ra tù, biết không còn có thể làm việc như trước nữa, ông về hưu. Cuối cùng, chúng vẫn có việc cho ông, trao cho ông làm đề cử chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, quê hương mà ông có ý muốn lui về yên nghỉ.

“Đề cử” là một chức quan có từ thời Lý, làm nhiệm vụ trông nom một ngôi chùa của Nhà nước. Chức đề cử đã rất lâu không còn dùng đến và nay mới thấy trao cho Nguyễn Trãi. Bi kịch không thể lớn hơn, một người tài cao đức trọng như Nguyễn Trãi, mới hơn 50 tuổi, chỉ còn là một người canh giữ chùa, trong khi đất nước vừa thoát khỏi ách chiếm đóng của giặc Minh, đang rất cần người lãnh đạo như Nguyễn Trãi.

Vô hiệu hóa ông đến như vậy, chúng vẫn không yên tâm vì biết rằng nhân dân rất kỳ vọng vào ông. Còn ông, chúng sống không yên. Chúng đã dàn dựng vụ giết vua và ông là thủ phạm. Giết vua là tội rất nặng, ông không những bị giết, ba họ bị giết theo.

Nhưng nhân dân rất tinh tường, sáng suốt, đều lên án bọn xấu vu cáo, bịa đặt để có cớ giết ông. Nguyễn Trãi không còn nữa nhưng lý tưởng của ông đã vượt thời đại của ông. Yêu nước chưa đủ, dân còn bị giới cầm quyền bóc lột, ức hiếp dù không còn giặc ngoại xâm. Dân chưa được yên ấm thì nước đâu có còn.

Từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã kết hợp chặt chẽ yêu nước và yêu dân, ông đã vừa “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Đó là một đặc điểm rất lớn trong tư tưởng và đạo đức làm người của Nguyễn Trãi. Trong cuốn sách “Nguyễn Trãi đánh giặc, cứu nước”, nhà sử học Nguyễn Lương Bích đã nhận xét: “Tận hiếu với dân” là điều rất hiếm thấy trong các thời đại trước”.

Hơn năm thế kỷ sau, nước Việt Nam đã dành cho Nguyễn Trãi vị trí vô cùng xứng đáng. Lý tưởng của ông là bài học mãi mãi vô giá để Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nguyện coi mọi đảng viên trong bộ máy Nhà nước dù chức vụ cao đến đâu cũng là đầy tớ của nhân dân. Hơn mười cuốn sách đã viết về Nguyễn Trãi, đã in mọi bài viết của ông cùng thơ ca của ông.

Riêng các thư ông trao đổi với các tướng giặc đã đăng trong sách “Quân trung từ mệnh tập”. Tác phẩm nổi tiếng này của ông là vũ khí sắc bén trong cuộc kháng chiến vừa đánh, vừa đàm- vừa đàm vừa đánh, lúc nào đánh, lúc nào đàm đều bắt đầu một cuộc chiến đấu. Bác Hồ thường nêu gương các vị anh hùng dân tộc đời trước để giáo dục các thế hệ ngày nay. Đặc biệt mỗi lần nhắc đến Nguyễn Trãi, Bác biểu lộ một tấm lòng ưu ái và khâm phục sâu sắc.

Dưới đây xin trích đăng đoạn Bác Hồ về thăm Côn Sơn trong bài “Tài liệu tuyệt đối bí mật” của ông Vũ Kỳ, thư ký giúp việc Bác Hồ: “Ngày 15/2/1965, Bác Hồ về “thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn năm thế kỷ (1380-1890) mà sao có những trường hợp lạ kỳ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn.

Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân. Người đã từng nói “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, cũng chính Nguyễn Trãi là người đã mở đầu “Bình Ngô đại cáo” bằng một câu bất hủ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Hôm nay như hẹn gặp vĩ nhân của thời đại mới với chân lý:

Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”

(Bài “Tài liệu tuyệt đối bí mật” kể lại quá trình Bác Hồ viết Di chúc được đăng trong sách “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ- trang 229).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận hiếu với dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO