Tăng cơ chế quản lý để chặn thực phẩm bẩn

Lê Anh 11/10/2016 10:15

Dù đã có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế TP HCM, với chức năng thực hiện quản lý nhà nước về ATVSTP trên địa bàn thành phố, tuy nhiên UBND TP HCM vẫn đề xuất thành lập một Sở ATVSTP để tăng thêm cơ chế quản lý.

Theo bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP, thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ban ngành đánh giá lại 5 năm thực hiện Luật ATTP, trong đó cho phép thành phố thành lập Sở ATVSTP để củng cố về tổ chức nhân sự của các cơ quan tham mưu về ATVSTP giúp công tác quản lý nhà nước trên địa bàn chặt chẽ và kiểm soát tốt hơn tình hình ATVSTP trên địa bàn được tốt hơn. Bên cạnh đó, việc thành riêng một Sở quản lý chuyên biệt sẽ tăng thêm năng lực xử lý sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn trên địa bàn, vốn đang có chiều hướng hoạt động tinh vi, phức tạp hơn.

Dễ hiểu khi TP HCM đưa ra một đề xuất “vượt rào” nêu trên, bởi thành phố có cơ chế đặc thù được Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành qua Nghị quyết 20-NQ/TƯ “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2010”. Đề án thành lập Sở ATVSTP đã được UBND TP báo cáo với Ban Thường vụ Thành uỷ và dự kiến sẽ gửi lấy ý kiến các Bộ ngành Trung ương và trình Thủ tướng.

Tuy nhiên, dù muốn có cơ chế chuyên biệt để lập Sở ATVSTP nhưng đề xuất của TP HCM chưa được chấp thuận. Làm việc với các lãnh đạo UBND TP mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một mô hình chuyên biệt về quản lý ATVSTP chỉ nên dừng ở cấp độ Ban.

Theo Thủ tướng, các vấn đề về VSATTP là rất cấp thiết nhưng Chính phủ ủng hộ thành lập một Ban. Nếu thành lập một Sở quản lý về VSATTP thì sẽ liên quan đến nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tạo cơ chế cho phép thành phố sử dụng nguồn tiền xử phạt; về thanh tra ATVSTP, cũng như cơ chế phối hợp liên quan giữa các Bộ Công thương và Bộ Y tế. Ngoài ra, để công tác quản lý về VSATTP đạt hiệu quả thì hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó trách nhiệm người đứng đầu và cơ chế tài chính để thực hiện vấn đề này phải được minh bạch.

Không phải ngẫu nhiên đề xuất thành lập Sở ATVSTP của TP HCM chưa được chấp thuận. Bởi lẽ trong tình hình ngân sách của cả trung ương, lẫn TP.HCM đều còn khó khăn thì việc “phình to” một bộ máy sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khác. Đó là chưa kể, nguồn tài chính đủ bền vững để chi trả cho thêm một cơ chế, khi các tỉnh đều đồng loạt xin thí điểm.

Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về VSATTP được giao cho Chi Cục ATVSTP thực hiện. Cơ quan này có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách và có 6 phòng chức năng để phân chia nhiệm vụ thực hiện chức năng nêu trên.

Tuy nhiên có thể nói trước tình hình diễn biến phức tạp của hoạt động sản xuất, tiêu thụ thực phẩm tuồn vào thành phố đông dân nhất nước qua nhiều hình thức, công tác quản lý nhà nước về VSATTP đang gặp nhiều bất cập. Chi Cục ATVSTP dù có sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chuyên ngành liên quan của Sở Công thương và Sở NN&PTNT, thế nhưng chưa kiểm soát xuể, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ hoạt động tràn lan trên địa bàn. Theo UBND TP, hiện trên địa bàn thành phố có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, với sản lượng nông sản tự sản xuất chỉ đáp ứng cung cấp 20-30% nhu cầu thị trường, còn lại là thực phẩm được cung cấp bởi các địa phương lân cận và phía Bắc chuyển vào.

Từ tháng 12/2015 cho đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã thực hiện thanh tra 1.158, trong đó gần 7.100 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa” khi mới chỉ có hơn 550 trường hợp bị phát hiện và xử lý hành chính. Trong khi đó, thành phố cũng thừa nhận vẫn còn hạn chế trong hệ thống văn bản về VSATTP, khiến cơ quan quản lý chưa phát huy được hiệu quả công tác.

Vấn đề được đặt ra là nếu lo ngại về sự “phình to” khi thành lập riêng một Sở chuyên biệt để quản lý nhà nước về VSATTP thì Chi Cục ATVSTP phải được đổi mới như thế nào để đủ năng lực quản lý Nhà nước về VSATTP trên địa bàn TP HCM hiện nay. Đây sẽ là câu hỏi lớn, không chỉ của riêng TP HCM mà còn là vấn đề nhức nhối đối với nhiều địa phương khác trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cơ chế quản lý để chặn thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO