Tăng cường giám sát thông qua ý kiến của nhân dân

Hải Nhi 24/07/2018 16:55

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý, cần tăng cường hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất thông qua ý kiến của người dân. Hình thức này rất hiệu quả nhưng cần phối hợp với các tổ chức, với báo chí để phản ánh với mục đích là ổn định xã hội.

Tăng cường giám sát thông qua ý kiến của nhân dân

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 24/7, Đoàn công tác của UBTƯ MTTQ Việt Nam do ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra, khảo sát 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218/QĐ-TW về tăng cường sự tham gia giám sát và phản biện xã hội tại MTTQ tỉnh Bắc Giang.

Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 217, 218, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang Diêm Hồng Linh cho rằng: Thời gian qua, MTTQ tỉnh Bắc Giang đã chọn đúng và trúng vấn đề giám sát, phản biện. 5 năm qua, từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2018, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì tổ chức giám sát 1.319 nội dung tại 9.974 cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Trong đó: MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh giám sát 61 nội dung tại 572 cơ quan, đơn vị; cấp huyện giám sát 186 nội dung tại 2.142 cơ quan, đơn vị; cấp xã giám sát 1.072 nội dung tại 7.260 cơ quan, đơn vị.

Bà Diêm Hồng Linh nhấn mạnh, nội dung giám sát được MTTQ các cấp lựa chọn đều là những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và liên quan trực tiếp đến nhân dân, các vấn đề mà nhân dân đang quan tâm.

MTTQ và các đoàn thể vận dụng linh hoạt các phương pháp thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác giám sát. Sau giám sát, các đoàn giám sát đều thông báo kết quả giám sát, làm việc với cơ quan cấp trên trực tiếp và các ngành liên quan để làm rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc và kiến nghị các biện pháp tháo gỡ.

5 năm qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp đã kiến nghị 5.521 ý kiến sau giám sát. Nhìn chung, các đối tượng được giám sát đều đồng tình với thông báo kết quả giám sát, tiếp thu các kiến nghị của đoàn giám sát để điều chỉnh những tồn tại hạn chế. UBND các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng nghiêm túc xem xét các kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể, từng bước tiếp thu, điều chỉnh cơ chế, chính sách, đưa ra nhiều biện pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Qua theo dõi việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, có 4.445 ý kiến đã được tiếp thu, giải quyết, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, như: Chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức phục vụ nhân dân; có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh, đầu tư công nghệ cao để xử lý rác thải tại địa phương; điều chỉnh, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; giải quyết dứt điểm việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới, tập trung các biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân…

Thực hiện Quy chế, Chương trình phối hợp công tác của MTTQ với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân và các sở ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận, trong 5 năm, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp tham gia 7.478 cuộc giám sát.

Để thực hiện giám sát văn bản, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội phân công các ban, đơn vị và cá nhân thuộc cơ quan, tổ chức của mình thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, xem xét các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ban hành có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thường xuyên tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp và nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của các thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân và các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cùng cấp ban hành có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Qua nghiên cứu, theo dõi, kịp thời phát hiện những vấn đề có ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân để tổ chức giám sát.

Hiện nay toàn tỉnh có 230 Ban thanh tra nhân dân (TTND) với 2.101 thành viên và 230 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) với 2.073 thành viên. Các ban thường xuyên được củng cố, kiện toàn và xây dựng quy chế hoạt động, thường xuyên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng công trình, dự án trên địa bàn.

Từ 2014 đến tháng 6/2018, các ban TTND đã giám sát được 17.716 cuộc, phát hiện và kiến nghị 408 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân hơn 1,2 tỷ đồng, 5.292 m2 đất, 3 tấn xi măng; các ban GSĐTCCĐ giám sát được 5.307 cuộc, phát hiện và kiến nghị 317 vụ việc sai phạm, thu hồi cho Nhà nước và nhân dân hơn 332,8 triệu đồng, 3.075 m2 đất, 8 tấn xi măng, 250 kg sắt. Kết quả giám sát góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường giám sát thông qua ý kiến của nhân dân - 1

Quang cảnh buổi làm việc.

Hằng năm, MTTQ chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội lựa chọn nội dung phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ và các đoàn thể. Qua 5 năm, hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã từng bước được triển khai có hiệu quả, trong đó đã tổ chức phản biện 2.973 dự thảo văn bản với 11.941 ý kiến phản biện. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phản biện 160 nội dung, có 713 ý kiến phản biện; cấp huyện phản biện 1.813 nội dung, có 4.814 ý kiến; cấp xã phản biện 1.000 nội dung, có 6.414 ý kiến phản biện.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam đánh giá: Qua theo dõi, hằng năm, MTTQ tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt Quyết định 217, 218, thể hiện trong kết quả của Mặt trận tỉnh trong những năm qua. Nổi bật là sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan hữu quan đã có quan hệ khăng khít, tạo điều kiện cho Mặt trận hoạt động, góp phần vào sự thành công của hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng: Trong tổng hợp kết quả còn chưa phân biệt rõ giám sát và kiểm tra theo chức năng, thẩm quyền của các cơ quan, giữa góp ý và phản biện xã hội để đảm bảm số lượng thống kê chính xác, giữa giám sát và kiểm tra …

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng đề nghị Mặt trận tỉnh Bắc Giang cần phân tích rõ giữa góp ý và phản biện; làm thế nào để giám sát phản biện mang tính xã hội, tính nhân dân; hoạt động giám sát, phản biện góp ý có tác dụng đến đâu...

Làm rõ vấn đề trên, Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Giang Trần Công Thắng cho biết: Thực tế tại Bắc Giang, hoạt động giám sát, góp ý làm tốt tuy nhiên hoạt động phản biện còn lúng túng. Theo ông Thắng, khi Mặt trận thực hiện giám sát đều có sự phối hợp của các ngành chức năng, và mời các Hội đồng tư vấn của MTTQ.

Theo ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: Tỉnh uỷ đã triển khai Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị rất nghiêm túc. Để chỉ đạo triển khai, Bắc Giang đã tổ chức hội nghị quán triệt trực tuyến tới cấp xã. Đặc biệt, MTTQ đã ký quy chế phối hợp UBND, HĐND và với 30 cơ quan ban ngành thể hiện sự phối hợp rất bài bản. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng định kỳ lắng nghe Mặt trận báo cáo định kỳ việc thực hiện Quyết định 217, 218.

Theo ông Thái, thời gian qua, MTTQ đã thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các đoàn thể xã hội, góp phần phát huy dân chủ trong nhân dân, tạo niềm tin trong nhân dân. Hoạt động này khẳng định vai trò, vị thế của MTTQ ngày càng tăng. Thông qua đó, Mặt trận đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá: Việc triển khai Quyết định 217, 218 của Bắc Giang rất nghiêm túc. Kết quả giám sát rất tích cực. Bên cạnh đó, hoạt động phản biện có những bước chuyển biến bước đầu. Việc góp ý được triển khai tích cực. "Đặc biệt các xã làm tốt giám sát đầu tư của cộng đồng".

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chia sẻ: Mặt trận cần chọn nội dung giám sát trúng và đúng, làm thế nào để đối tượng được giám sát phải tiếp thu, lắng nghe.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng đề nghị, Mặt trận cần tiếp tục tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hiệu quả. Cần phát huy vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán. “Đó cũng là thế trận lòng dân mà Mặt trận phải xây dựng để đoàn kết”.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý, cần tăng cường hình thức giám sát thường xuyên, đột xuất thông qua ý kiến của người dân. Hình thức này rất hiệu quả nhưng cần phối hợp với các tổ chức, với báo chí để phản ánh với mục đích là ổn định xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường giám sát thông qua ý kiến của nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO